THI ĐẠI HỌC: CHỌN NGÀNH HỌC VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO CHO PHÙ HỢP?
Mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đến, bên cạnh việc ôn luyện kiến thức để đạt kết quả cao cho kỳ thi đại học quan trọng này thì nỗi băn khoăn lớn của ba mẹ và thí sinh là học ngành gì, chọn trường gì cho đúng đắn. Quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến ngành nghề và sự nghiệp sau này của bé, mà còn tác động đến sự phát triển cá nhân và kỹ năng cần thiết cho tương lai sau này của bé.
Nền kinh tế khó khăn, thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, yêu cầu cho người lao động ngày càng cao, đòi hỏi người lao động cần tích hợp nhiều kỹ năng cần thiết bên cạnh chuyên môn. Việc các trường đại học mọc lên như nấm, với yêu cầu đa dạng phù hợp với từng phân loại năng lực của thí sinh, khiến việc vào đại học và cầm trên tay tấm bằng đại học đi xin việc trở nên bình thường hơn bao giờ hết.
Theo báo VnExpress: “Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn luôn được biết đến với lợi thế nguồn lao động giá rẻ và dồi dào. Tuy nhiên, khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, đòi hỏi cả lao động chất lượng cao, có tay nghề, trình độ, chuyên môn sâu lại là điểm nghẽn khiến nguồn nhân lực trong vài năm tới sẽ vừa thừa (về số lượng các nhân công giá rẻ) lại vừa thiếu (lực lượng tay nghề chuyên môn sâu)”.
Do đó, để tránh khỏi làn sóng thất nghiệp hiện nay, đòi hỏi ba mẹ và bé phải chuẩn bị ngay từ bây giờ bằng việc chọn ngành học và trường học phù hợp với sở thích, thế mạnh và năng lực cá nhân nhưng cũng phải cân nhắc đến các yếu tố xã hội như triển vọng nghề, nhu cầu nhân lực trong tương lai.
Trong bài viết dưới đây, eTeacher sẽ cung cấp những thông tin chi tiết và hướng dẫn cụ thể cách để ba mẹ và bé chọn ngành, chọn trường sao cho phù hợp nhất. Mời bé và ba mẹ cùng theo dõi!
- Chọn trường và ngành học dựa trên năng lực cá nhân
1.1. Tự đánh giá bản thân
Việc lựa chọn ngành và trường đại học bắt đầu từ việc đánh giá bản thân thí sinh. Bé nên dành thời gian để suy nghĩ nghiêm túc về bản thân, về những hoạt động mình thích làm lúc rảnh rỗi và những môn học yêu thích. Ngoài ra, ba mẹ hãy khuyến khích bé tham gia các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa để khám phá thêm nhiều khía cạnh khác của bản thân.
Nếu những trải nghiệm trên là chưa đủ, ba mẹ có thể hướng bé đến những bài trắc nghiệm tính cách MBTI, DISC để khám phá thêm tính cách và đưa ra những ngành nghề phù hợp với bé.
1.2. Xác định sở thích cá nhân
Sở thích cá nhân là yếu tố then chốt trong việc lựa chọn ngành học. Bởi chỉ có đam mê mới cho bé động lực để vượt qua căng thẳng, tiếp tục học hỏi và cống hiến cho công việc sau này. Nếu bé yêu thích công nghệ và quan tâm đến những phần mềm, app trên máy tính thì ba mẹ nên xem xét hướng cho bé theo công nghệ thông tin, các ngành kỹ thuật. Ngược lại, nếu bé thích ca hát, đam mê nghệ thuật thì các ngành học tại các trường kiến trúc, văn hóa cũng là lựa chọn sáng suốt.
1.3. Năng lực học tập và kỹ năng
Thích là một chuyện, nhưng kỹ năng và năng lực theo học lại là chuyện khác. Ba mẹ hãy giúp bé tìm hiểu các khối thi đại học trong lĩnh vực mà bé quan tâm và điểm xét tuyển các năm trước của ngành học đó. Sau đó xem xét kết quả học tập của bé qua các môn trong tổ hợp thi đại học và đánh giá xem liệu mục tiêu đó có phù hợp với năng lực của bé hay không.
Bên cạnh năng lực học tập, ba mẹ và bé hãy cân nhắc xem liệu tính cách và các kỹ năng của bé có phù hợp với ngành học đó hay không. Ví dụ, bé là người hoạt bát, thích giao tiếp với người khác thì ba mẹ nên hướng bé đến các ngành năng động như kinh tế, quản trị thay vì các ngành tập trung nghiên cứu, chỉ ngồi trong phòng thí nghiệm.
1.4. Nhờ sự hỗ trợ để đánh giá bản thân
Ngoài việc tự đánh giá bản thân, bé có thể tham khảo ý kiến từ các nguồn khác như giáo viên, bạn bè và người thân. Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy bé, họ sẽ là người nắm rõ năng lực của bé, thêm vào đó, giáo viên giảng dạy các môn học thuộc các lĩnh vực bé đang quan tâm sẽ cho bé những lời khuyên hữu ích. Bạn bè, là những người cùng độ tuổi học sinh và cũng đang trải qua quá trình tương tự với những góc nhìn riêng, việc tham khảo ý kiến từ bạn bè cũng sẽ giúp bé có thêm góc nhìn đa chiều.
- Tìm hiểu về ngành học
2.1. Các ngành học phổ biến
Không thể phủ nhận về mức độ phổ biến của các ngành học hiện nay, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, kỹ thuật, y tế và nghệ thuật. Trong mỗi ngành học, lại được chia thành các chuyên ngành nhỏ riêng biệt. Ví dụ, trong ngành kinh tế được chia ra quản trị kinh doanh, tài chính – kế toán, xuất – nhập khẩu, kinh doanh nông nghiệp,…
Mỗi ngành học đều có những đặc tính và yêu cầu riêng. Nếu bé muốn theo ngành kỹ thuật, yêu cầu tính tỉ mỉ, khả năng suy luận và logic cao, nắm vững các kiến thức lập trình và thuật toán cùng khả năng giải quyết vấn đề. Về y khoa, đây là ngành học đòi hỏi sự kiên nhẫn, thời gian học tập có thể kéo dài tới 6-7 năm, đòi hỏi khả năng học hỏi liên tục trong thời gian dài.
Không chỉ khác nhau về nội dung đào tạo, các ngành còn có đánh giá đầu vào và cơ hội việc làm khác nhau. Ví dụ, nếu bé muốn theo ngành y tế thì tổ hợp đầu vào đặc trưng là khối B với ba môn (Toán, Sinh, Hóa). Về triển vọng nghề nghiệp, ba mẹ và bé có thể tìm hiểu qua các đầu báo, phân tích và số liệu người lao động qua các năm.
Một số ngành nghề tiêu biểu hiện nay có thể kể đến: ngành công nghệ thông tin với nhu cầu tuyển dụng cao và mức lương hấp dẫn, ngành y tế luôn cần nhân lực chất lượng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc cộng đồng, các ngành kinh tế cũng mở ra cơ hội thăng tiến cao với đa lĩnh vực.
2.2. Phân tích thị trường lao động tương lai
Để chọn một ngành học phù hợp, bên cạnh những yếu tố chủ quan từ cá nhân thì nhu cầu xã hội là vô cùng quan trọng. Không chỉ là các ngành nghề phổ biến hiện tại, ba mẹ và bé cũng nên cân nhắc thêm về cơ hội việc làm trong tương lai. Thế giới luôn thay đổi, sau thời gian theo học từ 4 – 5 năm tại trường đại học của bé thì chắc hẳn thị trường lao động cũng đã có nhiều biến động, việc dự đoán về cơ hội làm việc trong tương lai là cần thiết.
Với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo AI, các ngành liên quan đến công nghệ như lập trình, an minh mạng, trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ và dự báo sẽ càng bùng nổ hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống ngày càng tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người ngày càng lớn đòi hỏi số lượng lớn nhân lực có chuyên môn sâu về y học. Các ngành năng lượng tái tạo và môi trường cũng đang thu hút sự chú ý do nhu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong tương lai.
Ngoài ra, với sự gia tăng của các doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các ngành kinh tế như tài chính, marketing, quản trị nhân lực cũng hứa hẹn tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới.
Việc phân tích kỹ lưỡng thị trường lao động và sự phát triển của các ngành nghề trong tương lai sẽ giúp học sinh đưa ra những quyết định đúng đắn dựa trên điều kiện thực tế và cơ hội thành công cũng cao hơn.
- Lựa chọn trường đại học
Sau khi đã chọn được ngành học, ba mẹ và bé hãy đến bước tiếp theo là lựa chọn trường đại học. Một lưu ý là nên chọn trường theo ngành học đã định, tránh chọn trường chỉ vì danh tiếng. Bởi mỗi trường đại học đều có thế mạnh đào tạo mỗi ngành khác nhau, việc học trường danh tiếng nhưng không đúng với thế mạnh đào tạo của trường cũng dẫn đến nhiều bất lợi cho thí sinh.
3.1. Tiêu chí chọn trường
Tiêu chí đầu tiên là sự danh tiếng và uy tín của trường trong lĩnh vực mà bé chọn. Một ngôi trường uy tín thường được đánh giá cao về chất lượng giáo dục, cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp và sự công nhận của các tổ chức, doanh nghiệp. Ba mẹ có thể tìm hiểu xếp hạng của trường trong các bảng xếp hạng trường đại học trong nước và quốc tế. Ngoài ra, bé cũng có thể tìm hiểu từ các anh chị cựu sinh viên để đánh giá uy tín của trường.
Bên cạnh danh tiếng, chất lượng giảng dạy cũng là yếu tố then chốt trong việc quyết định chất lượng học tập của bé. Một ngôi trường có đội ngũ giảng viên kinh nghiệm, trình độ cao với nhiều trải nghiệm thực tế trong ngành học sẽ mang lại môi trường học tập tốt, khuyến khích sinh viên phát triển. Khi tìm hiểu về trường, bé cũng nên tham khảo thêm các chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, các cơ hội thực tập mà trường cung cấp có chất lượng và phù hợp với khả năng của bé hay không.
Một môi trường học tập tích cực, năng động cũng sẽ là nơi cho bé phát triển các kỹ năng một cách toàn diện nhất. Các câu lạc bộ, đội nhóm với nhiều hoạt động sôi nổi giúp bé thỏa sức khám phá tiềm năng của bản thân như các câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ thể thao,…Đây sẽ là chìa khóa giúp bé tạo ra những năm tháng đại học nhiều trải nghiệm và đáng nhớ.
Tham khảo thêm Nên hay không việc chọn trường đại học dựa trên danh tiếng?
3.2. Chi phí học tập và sinh hoạt
Bên cạnh những yếu tố đến từ trường đại học, thì chi phí học tập và điều kiện của gia đình cũng là yếu tố mà bé và ba mẹ cần cân nhắc để chọn trường cho con thi đại học. Bởi đây là một khoản đầu tư lớn và lâu dài, nếu có vấn đề xảy ra cản trở việc học sẽ làm mất thời gian và lãng phí tiền bạc của gia đình.
Học phí là mức phí mà sinh viên phải chi trả cho mỗi kì học, mức học phí sẽ dao động khác nhau tùy thuộc vào trường học và ngành học. Các trường đại học công lập thuộc hệ thống đại học quốc gia sẽ có mức học phí nhẹ hơn so với các trường tư thục và các chương trình đào tạo quốc tế.
Ngoài học phí, sinh viên còn phải chi trả các chi phí liên quan như sách vở, tài liệu học tập, phí các loại bảo hiểm, phí cho các hoạt động ngoài lề như kỳ quân sự, các buổi tham quan ngoại khóa,…Do đó, ba mẹ và bé cần tính toán kỹ lưỡng để tránh những cản trở về mặt tài chính.
Bên cạnh học phí, thì nhiều trường đại học cũng có thêm các chính sách học bổng để hỗ trợ sinh viên. Học bổng thường được xét dựa trên thành tích học tập và các hoạt động ngoại khóa. Để đạt được những học bổng này, sinh viên cần tìm hiểu về cách thức đánh giá, số học bổng trong mỗi kỳ để cố gắng một cách hiệu quả nhất.
Ngoài học bổng, các trường sẽ hỗ trợ thêm khoản vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Một số trường còn tạo điều kiện để sinh viên làm việc bán thời gian tại trường và hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Trước khi đưa ra lựa chị trường, ba mẹ và bé cũng nên tìm hiểu kĩ các chương trình này để tối ưu chi phí học tập.
3.3. Thăm quan và tìm hiểu trực tiếp về trường đại học
Ngày hội tư vấn tuyển sinh là cơ hội tuyệt vời để bé gặp gỡ trực tiếp đại diện đến từ các trường đại học. Trong cuộc gặp gỡ này, bé có thể tìm hiểu và trao đổi về chương trình học, các chương trình đào tạo của trường, chính sách học bổng và các dịch vụ hỗ trợ sinh viên.
Cũng tại ngày hội này, bé sẽ được lắng nghe các anh chị cựu sinh viên, thầy cô trong trường chia sẻ về kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm thi đại học, giải đáp thắc mắc liên quan đến quy trình tuyển sinh. Việc tham gia ngày hội tuyển sinh sẽ giúp bé có thêm nhiều thông tin hữu ích, đến gần hơn với ngành học và ngôi trường bé quan tâm.
Để hiểu rõ hơn về cơ sở vật chất, môi trường học tập tại trường, bé có thể dành thời gian để ghé thăm và trải nghiệm thực tế tại trường. Gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với những sinh viên đang theo học tại trường bé sẽ có những thông tin thực tế và chính xác về những thắc mắc của mình từ đó có cái nhìn toàn diện về ngôi trường định theo học.
- Kết luận
Chọn ngành học và trường đại học là một quyết định quan trọng xác định 4 năm tiếp theo trong hành trình học tập của bé. Không chỉ có ý nghĩa với việc học, một môi trường đại học phù hợp còn giúp bé mở ra tương lai tươi sáng và cơ hội để phát triển nghề nghiệp. Học sinh cần chủ động tìm hiểu, đánh giá trong quá trình chọn ngành và chọn trường để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Trong quá trình tìm hiểu, hãy tận dụng mọi nguồn thông tin và cơ hội hữu ích để đưa ra sự lựa chọn chính xác nhất.
Chúc các em thành công!