Phương pháp quản lý thời gian hiệu quả cho năm học mới
- Tại sao cần quản lý thời gian trong năm học mới?
Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, đặc biệt tại các thành phố lớn, nhịp sống tất bật với nhiều nhiệm vụ cần phải hoàn thành trong ngày khiến con người trở nên vô cùng bận rộn. Kỹ năng quản lý thời gian cũng từ đó mà trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Với giáo dục nói riêng, sự cạnh tranh ngày càng cao đòi hỏi bé bên cạnh việc hoàn thành việc học ở trường còn phải dành thời gian để trau dồi ngoại ngữ, luyện tập kỹ năng, tham gia các hoạt động ngoại khóa để phát triển một cách toàn diện nhất. Khi bắt đầu một năm học mới, bé thường gặp khó khăn trong việc quay lại guồng học tập, nắm bắt kiến thức mới, chuẩn bị cho các kỳ thi và còn phải dành thời gian để hoàn thành một số hoạt động ngoại khóa của mình.
Do đó, học cách quản lý thời gian là một kỹ năng cần thiết mà ba mẹ có thể giúp bé rèn luyện từ khi còn nhỏ áp dụng cho chính việc học tập và sinh hoạt của mình. Năm học mới sắp đến, hãy cùng eTeacher khám phá các phương pháp quản lý thời gian hiệu quả để bé vừa tối ưu việc học tập vừa có thời gian cho các hoạt động bổ ích khác nhé.
- Xác định mục tiêu và lập kế hoạch cho năm học mới
Để có nhiều thời gian cho các hoạt động khác thì tối ưu thời gian cho việc học là một phương pháp hiệu quả. Để thời gian cho việc học là ít nhất với hiệu quả cao nhất thì một mục tiêu và kế hoạch cụ thể sẽ giúp bé đạt được điều đó.
Bé có thể bắt đầu bằng việc thiết lập mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho năm học mới. Mục tiêu ngắn hạn có thể là hoàn thành bài tập, đạt điểm 9 trở lên cho bài thi Toán khảo sát đầu năm. Mục tiêu dài hạn có thể là đạt danh hiệu học sinh Xuất sắc trong năm học, chuẩn bị tốt cho kì thi chuyển cấp vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa,…
Việc học tập kèm theo mục tiêu sẽ là kim chỉ nam cho bé trong hành trình lớn lên của mình.
Một mục tiêu cụ thể sẽ bao gồm các yếu tố S.M.A.R.T sau đây:
- Specific (Cụ thể): Thay vì “học giỏi Tiếng Anh hơn” thì hãy là “đạt điểm 8 trở lên cho môn Tiếng Anh”
- Measurable (Đo lường được): Mục tiêu cần đo lường được, để ba mẹ và bé dễ dàng theo dõi tiến độ. Ví dụ, “Làm 3 bài tập Toán mỗi ngày” thay vì “làm bài tập Toán”
- Achievable (Có thể đạt được): Mục tiêu cần phù hợp với năng lực của bé, không nên quá thấp hoặc quá cao.
- Relevant (Thực tế): Mục tiêu cần có ý nghĩa với bé, là bàn đạp để bá đạt được những mục tiêu cao hơn.
- Time-bound (Thời hạn cụ thể): Được hiểu là thời gian giới hạn để hoàn thành mục tiêu. Ví dụ, đạt điểm 8 môn Tiếng Anh trong kỳ thi giữa học kỳ tháng 10.
Sau khi xác định được mục tiêu, bước tiếp theo là lập kế hoạch chi tiết để đạt được mục tiêu đó. Kế hoạch học tập theo tuần, theo ngày sẽ giúp bé học tập một cách thoải mái, tránh nhồi nhét kiến thức quá nhiều trước kỳ thi còn các ngày khác thì lại lãng phí quá nhiều thời gian cho việc vui chơi, giải trí.
Bên cạnh đó, để đảm bảo kết quả học tập tốt, bé nên phân chia thời gian cho các môn học một cách hợp lý. Dành nhiều thời gian hơn cho các môn cần cải thiện hoặc nằm trong mục tiêu lâu dài, tuy nhiên cũng không được bỏ qua các môn khác.
- Thứ tự ưu tiên công việc và nhiệm vụ trong năm học mới
Để thời gian được tận dụng một cách hiệu quả, bên cạnh việc biết lập kế hoạch và mục tiêu, thì khả năng phân loại mức độ ưu tiên của các nhiệm vụ sẽ giúp bé hoàn thành các mục tiêu đặt ra một cách trơn tru nhất. Ma trận Eisenhower được biết đến như là một công cụ tuyệt vời giúp chúng ta phân loại mức độ ưu tiên của công việc cần hoàn thành.
Trong ma trận Eisenhower, công việc được chia thành 4 mức độ dựa trên mức độ khẩn cấp và quan trọng.
- Nhiệm vụ khẩn cấp và quan trọng: Đây là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu để hoàn thành. Ví dụ, học thuộc bài Lịch sử cho bài kiểm tra ngày mai.
- Nhiệm vụ không khẩn cấp nhưng quan trọng: Đây thường là những nhiệm vụ liên quan đến mục tiêu dài hạn. Ví dụ, học lớp Tiếng Anh lấy chứng chỉ KET.
- Nhiệm vụ khẩn cấp nhưng không quan trọng: Những nhiệm vụ cần hoàn thành sớm nhưng không ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn. Ví dụ, đăng ký lớp bơi lội vào ngày mai.
- Không khẩn cấp và không quan trọng: Đây là những hạn mục nhiệm vụ không quan trọng và cũng không cần hoàn thành ngay. Ví dụ, xem bộ phim yêu thích.
Cách để sử dụng ma trận Eisenhower cũng vô cùng đơn giản, bé hãy bắt đầu bằng việc liệt kê ra các nhiệm vụ cần hoàn thành, sau đó sắp xếp chúng vào 4 loại ưu tiên đã nêu ở trên. Phương pháp này sẽ giúp bé tập trung hoàn thành tốt những nhiệm vụ khẩn cấp và quan trọng, quản lý thời gian hiệu quả hơn, tránh rơi vào tình trạng miên man không biết nên làm gì tiếp theo.
- Một số kỹ thuật quản lý thời gian hiệu quả cho năm học mới
4.1. Phương pháp Pomodoro
Đây là phương pháp được phát triển bởi Francesco Cirillo – nhà sáng lập một công ty phần mềm lớn có trụ sở tại Dubai. Theo phương pháp này, sự tập trung của con người là có giới hạn (thường rơi vào khoảng 25 phút) và cần xen kẽ với các khoảng nghỉ ngắn để tập trung lại hoàn thành nhiệm vụ. Các bước áp dụng Pomodoro như sau:
- Chọn một nhiệm vụ trong danh sách nhiệm vụ cần hoàn thành
- Đặt báo thức sau 25 phút và thực sự tập trung làm việc trong 25 phút đó, tuyệt đối không sao nhãn
- Sau khi đồng hồ báo 25 phút kết thúc, bé có thể nghỉ ngơi thoải mái trong vòng 5 phút
- Lặp đi lặp lại tối đa 4 lần, nếu nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành, hãy nghỉ một khoảng dài 15-30 phút để bắt đầu lượt tiếp theo.
Việc nghỉ ngơi các khoảng ngắn giúp não bộ tái tạo lại năng lượng ngăn cảm giác mệt mỏi khi học tập và làm việc trong thời gian dài. Kèm với đó là việc chạy đua với thời gian,hình thành thói quan kỷ luật, hạn chế tối đa sự mất tập trung với các hoạt động diễn ra bên ngoài.
4.2. Phương pháp tạo To-do-list và các ứng dụng công nghệ
To-do-list được coi là phương pháp quản lý thời gian đơn giản nhất bằng cách tạo ra danh sách công việc cần hoàn thành hàng ngày. Việc liệt kê ra như vậy giúp bé có cái nhìn tổng quan về những đầu việc cần hoàn thành trong ngày và bắt đầu hoàn thành chúng theo thứ tự ưu tiên. Phương pháp này tạo ra cảm giác thỏa mãn khi được hoàn thành và gạch bỏ từng đầu việc trong danh sách.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ hiện đại ngày nay, các ứng dụng hỗ trợ quản lý thời gian cũng lần lượt ra đời. Khi sử dụng những ứng dụng này, bé có thể linh hoạt lên kế hoạch theo một lộ trình dài hạn, theo đó bé sẽ được ứng dụng hỗ trợ theo dõi tiến độ một cách trực quan. Một số ứng dụng hỗ trợ quản lý thời gian hiệu quả có thể kể đến: Trello, Google Calendar, Asana,… Dù là hãng điện thoại nào, đời mới hay cũ thì các ứng dụng này đều có thể tích hợp ngay trên điện thoại chỉ với một vài thao tác tải xuống đơn giản.
- Kết luận
Thông qua bài viết trên, eTeacher đã truyền tải đến bé và ba mẹ lý do của việc học quản lý thời gian và một số phương pháp để quản lý thời gian hiệu quả. Với kinh nghiệm giảng dạy và đã áp dụng cho nhiều học sinh của mình, eTeacher tin chắc rằng những phương pháp trên sẽ tác động tích cực đến việc học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa của bé. Không chỉ ở thời điểm hiện tại hay trong năm học mới, kỹ năng quản lý thời gian sẽ là bạn đồng hành cũng bé cho cả quá trình lớn lên và công việc sau này.
Chúc bé một năm học mới thật thành công và hứng khởi!