ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ KHỐI NGÀNH KINH TẾ
“Định hướng nghề nghiệp” cụm từ quen thuộc mà ba mẹ quan tâm khi con bắt đầu vào học cấp 3 và lên đại học. Trong bối cảnh xã hội hiện đại và đầy biến động, các ngành nghề và việc làm trở nên vô cùng đa dạng. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đã tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mởi mẻ, đầy triển vọng. Nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức trong việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp.
Trong khối các ngành nghề hiện nay thì khối ngành kinh tế vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu, không chỉ bởi cơ hội làm việc rộng mở, tiềm năng mà còn có thể ứng dụng linh hoạt trong nhiều ngành nghề khác nhau.
Khối ngành kinh tế bao gồm các lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế. Mỗi lĩnh vực sẽ có nội dung đào tạo và chức năng làm việc khác nhau, những nhìn chung đều chiếm vai trò quan trọng trong việc vận hành nền kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào. Với sự phát triển của xã hội đi kèm với phát triển kinh tế trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng, nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao trong khối ngành này chưa bao giờ ngừng hot.
Tuy nhiên, để thành công trong khối ngành kinh tế đòi hỏi rất nhiều yếu tố cả về phía khách quan lẫn chủ quan. Sự cạnh tranh và đài thải trong ngành là rất lớn, do đó khi quyết định theo đuổi khối ngành kinh tế ba mẹ và học sinh cần tìm hiểu kỹ lưỡng về lĩnh vực và ngành nghề mà con muốn theo học.
Trong bài viết dưới đây, eTeacher sẽ mang đến cho ba mẹ và các bạn học sinh những thông tin tổng quan nhất về khối ngành kinh tế, những điều cần biết khi theo học và một số trường đại học tiêu biểu trong khối ngành này. Mời các bạn và ba mẹ cùng theo dõi nhé!
- Khối ngành kinh tế là gì?
1.1. Phạm vi của khối ngành kinh tế
Khối ngành kinh tế là một lĩnh vực rộng lớn bao hàm các ngành khác nhau, mỗi ngành thực hiện một chức năng trong nền kinh tế của xã hội. Tất cả đều xoay quanh việc nghiên cứu, quản trị và tối ưu nguồn lực nhằm thúc đầy sự phát triển của kinh tế và ổn định xã hội. Đây được coi là khối ngành trọng điểm và then chốt của mỗi quốc gia, bởi nếu không có sự phát triển kinh tế, không một quốc gia nào có thể ổn định phát triển.
Khi theo học khối ngành kinh tế, sinh viên không chỉ được học về lý thuyết và các mô hình kinh tế mà còn là cách để ứng dụng những kiến thức học được vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề và phát triển nền kinh tế.
Kinh tế học được coi là một ngành cơ bản của kinh tế, ngành học này nghiên cứu về cách thức mà con người sử dụng và phân phối các nguồn lực có hạn như tiền bạc, thời gian, tài nguyên. Khi theo học khối ngành kinh tế, sinh việc chắc chắn sẽ được trải qua hai môn học chính là Kinh tế vĩ mô (bàn về chu kỳ kinh tế, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa,…) và Kinh tế vi mô (bàn về cách các cá nhân, tổ chức tương tác trên thị trường, quy luật cung cầu, quyết định tiêu dùng,…)
Từ nền tảng kinh tế này, tùy theo chuyên ngành mà sinh viên theo học, sẽ được mở rộng qua các lĩnh vực chuyên sâu hơn.
- Tài chính: Tập trung vào quản lý tiền bạc, đầu tư, phân tích các quyết định tài chính của doanh nghiệp và cá nhân.
- Kế toán: lĩnh vực liên quan đến ghi chép, phân tích và báo cáo giao dịch tài chính, giúp doanh nghiệp nắm bắt được tình hình tài chính hiện tại của mình.
- Quản trị kinh doanh: ngành này đào tạo ra những nhà quản trị với kiến thức về quản lý nhân lực, đưa ra các chiến lược kinh doanh và điều hành tổ chức.
- Marketing: nhiệm vụ của chuyên ngành này là nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm và xây dựng quan hệ với khách hàng.
- Kinh tế quốc tế: như tên gọi của nó, ngành này sẽ nghiên cứu về các giao dịch thương mại giữa các quốc gia, phân tích về sự ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu đến quốc gia.
Khối ngành kinh tế là lĩnh vực rộng lớn và đa dạng, do đó ba mẹ cần tìm hiểu và hỗ trợ con để đưa ra quyết định đúng đắn nhất về chuyên ngành theo học.
1.2. Tại sao nên chọn khối ngành kinh tế?
Trong các buổi tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp thì khối ngành này luôn nhận được sự quan tâm của các bạn học sinh bởi cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các khối khàng kinh tế lại tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nhân sự chất lượng cao.
Theo báo cáo của Vietnamworks: “Gần 70% nhân sự trong nhóm ưu tiên tuyển dụng của doanh nghiệp đến từ các nhóm nhân sự cấp cao từ nhân viên có nhiều kinh nghiệm (40%), Trưởng nhóm/giám sát (28%), Giám đốc (5%)”. Do đó, khi quyết định theo khối ngành này đòi hỏi người học phải thực sự kiên trì, ham học hỏi và không ngừng thay đổi để nâng cao chuyên môn, phù hợp với nhu cầu xã hội.
Không chỉ là cơ hội việc làm đúng ngành học, kinh tế còn là lĩnh vực kết nối và ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù bạn làm việc trong ngành giáo dục, y tế, thương mại điện tử hay kĩ thuật thì việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế vào lĩnh vực này giúp tối ưu hóa quy trình làm việc và tăng khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, khi theo học khối ngành kinh tế, sự phát triển của các sinh viên không chỉ dừng lại ở trong nước. Ngành kinh tế mở ra rất nhiều cơ hội với các tập đoàn đa quốc gia, các dự án quốc tế, các chương trình học bổng của nhiều trường đại học nổi tiếng. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên trong tương lai.
- Những điều cần biết khi theo học khối ngành kinh tế
2.1. Kỹ năng cần thiết
Bên cạnh những kiến thức chuyên môn được học tại trường, sinh viên cũng cần trang bị thêm rất nhiều kỹ năng để làm việc trong môi trường đầy cạnh tranh và thách thức này.
Trong số các kỹ năng thì tư duy phân tích dữ liệu được coi là một kỹ năng quan trọng. Khi làm việc trong ngành này, sinh viên sẽ phải đọc hiểu rất nhiều số liệu, dựa trên việc phân tích số liệu này các chuyên gia kinh tế sẽ đưa ra những quyết định. Bên cạnh phân tích dữ liệu, tư duy logic cũng là một yếu tố quan trọng giúp các chuyên viên giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định chính xác trong quá trình làm việc.
Trong môi trường làm việc của các khối ngành kinh tế, sự kết nối với các phòng ban là vô cùng cần thiết và quan trọng. Ví dụ, khi bạn là một người làm sale, bên cạnh khách hàng bạn sẽ phải làm việc với các bộ phận kho bãi, pháp lý giấy tờ,… để đảm bảo nguồn hàng được đưa đến khách. Do đó kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm là cần thiết, để giúp bạn trình bày những ý tưởng rõ ràng, thuyết phục và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng và những phòng ban khác.
Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cũng là một kỹ năng mà bé cần rèn luyện nếu muốn theo đuổi ngành nghề này. Môi trường kinh doanh cần tạo những báo cáo số liệu dựa trên hệ thống thông tin quản lý hoặc nguồn data thu thập được. Kỹ năng sử dụng các phần mềm Microsoft và các chương trình kỹ thuật sẽ giúp các chuyên gia kinh tế tối ưu công việc và mở ra nhiều cơ hội tốt.
2.2. Yêu cầu về tư duy và phẩm chất
Không chỉ là kỹ năng, để thành công trong lĩnh vực kinh tế đòi hỏi người học có những tư duy và phẩm chất nhất định, một trong số đó là tư duy phản biện. Kinh tế chưa bao giờ là sử dụng những thứ có sẵn và lặp đi lặp lại qua ngày, để phát triển đòi hỏi các chuyên gia kinh tế phải phân tích, đánh giá, chất vấn các mô hình, dữ liệu. Kỹ năng này sẽ giúp các nhà kinh tế đưa ra quyết định đúng đắn dựa trên phân tích, suy luận chứ không phải bằng cảm quan.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu luôn biến động thì kỹ năng thay đổi và thích ứng với môi trường sẽ giúp các nhà kinh tế thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi. Để làm được điều này, họ cần luôn học hỏi để bắt kịp với những xu hướng mới.
Khi làm việc ở những vị trí càng cao, đặc biệt ở các tập đoàn lớn phải chịu trách nhiệm với nhiều người, người làm kinh tế cần khả năng chịu đựng áp lực công việc lớn. Với một lĩnh vực sâu rộng và cần phải đối mặt với nhiều bài toán phức tạp như kinh tế, sự bình tĩnh, khả năng sáng tạo và vượt qua áp lực công việc sẽ giúp các nhà kinh tế giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả.
- Thách thức khi theo học khối ngành kinh tế
Dẫu là một khối ngành tiềm năng với nhiều cơ hội rộng mở, khối ngành kinh tế cũng có những thách thức đòi hỏi sinh viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng và vượt qua nếu muốn thành công trong nghề.
Sự cạnh tranh cao trong thị trường lao động là một thực tế mà ai theo học cũng phải đối mặt. Theo báo cáo “Nhân tài Khởi nghiệp Đông Nam Á năm 2024” của Glints: “Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã tăng lên đáng kể trong các doanh nghiệp khởi nghiệp. Mặt bằng lương trong lĩnh vực Marketing và Thương hiệu cũng không tránh khỏi sự giảm sút, với tỷ lệ giảm lần lượt là 12,5% và 8,8%”.
Các doanh nghiệp không chỉ yêu cầu ứng viên có kiến thức sâu rộng mà còn phải có kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng mềm xuất sắc và khả năng ngoại ngữ để làm việc trong môi trường quốc tế. Để nổi bật giữa hàng ngàn ứng viên khác, đòi hỏi sinh viên trong ngành cần trang bị các kỹ năng đầy đủ, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và tạo các mối quan hệ với doanh nghiệp.
Áp lực từ việc cập nhật kiến thức liên tục cũng là một thách thức đáng kể. Ngành kinh tế với tính chất năng động, biến đổi không ngừng đòi hỏi sinh viên phải luôn tiếp thu kiến thức mới, năm bắt xu hướng thị trường. Các công cụ được học tại trường có thể trở thành lỗi thời khi sinh viên ra trường đòi hỏi họ phải luôn làm mới bản thân. Đôi khi, sinh viên sẽ vô cùng áp lực khi vừa phải duy trì kết quả học tập tốt ở trường, vừa rèn luyện kỹ năng mềm, vừa tiếp thu kiến thức mới để đáp ứng thị trường lao động.
- Các trường đại học đào tạo khối ngành kinh tế trong nước tiêu biểu
4.1. Đại học Ngoại thương FTU
Được mệnh danh là Harvard Việt Nam, trường Đại học Ngoại thương với hai cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, luôn là ngôi trường mơ ước của học sinh Việt Nam khi theo học khối ngành kinh tế. Được thành lập năm 1960, FTU nhanh chóng trở thành biểu tượng của chất lượng giáo dục vượt trội với các chương trình đào tạo chuyên sâu về Kinh tế quốc tế, tài chính, quản trị kinh doanh.
FTU cũng nổi bật với sự hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, mang đến những cơ hội thực tập, trao đổi nghiên cứu quốc tế. Các sinh viên FTU thường được các nhà tuyển dụng đánh giá cao, họ đã và đang giữ nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.
4.2. Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)
Được thành lập năm 1956, trường Đại học Kinh tế Quốc dân NEU được coi là ngôi trường lâu đời và uy tín bậc nhất Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo kinh tế. Các khối ngành đào tạo của trường khá đa dạng, trải dài từ các ngành kinh tế, tài chính, marketing, quản trị.
NEU nổi tiếng với chất lượng giảng dạy, phương pháp đào tạo tiên tiến và cơ sở vật chất hiện đại. Trường cũng có các câu lạc bộ đội nhóm hoạt động sôi nổi giúp sinh viên phát triển kỹ năng toàn diện. Mối quan hệ của NEU với các doanh nghiệp, trường quốc tế cũng giúp cho sinh viên tại đây được đánh giá rất cao và là lựa chọn được săn đón của các nhà tuyển dụng.
4.3 Đại học UEH
Đại học UEH (tên gọi cũ Đại học Kinh tế TPHCM) cũng là một ngôi trường kinh tế hàng đầu của khu vực phía Nam. Được thành lập năm 1976, UEH đã khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống giáo dục với chất lượng đào tạo cao, đóng góp một phần rất lớn vào nguồn nhân lực cho nền kinh tế quốc gia.
UEH nổi bật với chương trình giảng dạy độc quyền, cập nhật theo xu hướng quốc tế, đội ngũ giảng viên chất lượng với những thầy cô là nghiên cứu sinh của các trường đại học hàng đầu thế giới. UEH cũng nổi tiếng với môi trường học tập năng động, các câu lạc bộ đội nhóm hoạt động năng nổ với nhiều hoạt động lớn và các cuộc thi học thuật cho sinh viên.
Cũng như FTU và NEU, UEH cũng có mối quan hệ rộng với các doanh nghiệp, mở ra những cơ hội thực tập tiềm năng cho sinh viên, sinh viên UEH khi ra trường cũng trở thành ưu tiên của nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
- Kết luận
Việc định hướng nghề nghiệp từ sớm là vô cùng quan trọng trong một thế giới biến động nhanh như hiện nay. Với tất cả các ngành nghề nói chung, và với khối ngành kinh tế nói riêng, sinh viên cần chủ động tìm hiểu để có những thông tin về ngành học và đưa ra lựa chọn đúng đắn cho chuyên ngành của mình.
Kinh tế là một ngành có nhiều cơ hội nhưng cũng không thiếu những thách thức. Để thành công trong ngành đòi hỏi sinh viên phải luôn học hỏi, trau dồi bản thân. Nhìn chung, đây vẫn là một hành trình thú vị chắc chắn sẽ mang đến cho bạn rất nhiều bài học.
Chúc bạn thành công!