CON LÊN LỚP 1: SỰ KHÁC BIỆT GIỮA MÔI TRƯỜNG TIỂU HỌC VÀ MẪU GIÁO SẼ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CON NHƯ THẾ NÀO?
Khi bé lên tiểu học, đây không chỉ đơn thuần là việc chuyển cấp học mà còn được coi là bước ngoặt trong hành trình học tập của con. Đây là thời điểm mà bé sẽ tiếp xúc với nền giáo dục thật sự, yêu cầu học tập nghiêm túc, có cấu trúc và kỉ luật hơn so với giai đoạn mẫu giáo trước đó. Những ngày tháng học tập thông qua hoạt động vui chơi sẽ kết thúc, thay vào đó là những giờ học nghiêm túc, nơi bé phải tập trung nghe giảng, làm bài tập và tuân thủ các nội quy lớp học tại ngôi trường tiểu học.
Lên tiểu học không chỉ là sự thay đổi về việc học tập mà còn là tâm lý, kỹ năng xã hội của bé. Đây có lẽ là lần đầu tiên bé cảm nhận được áp lực học hành và kỳ vọng của ba mẹ dành cho. Do đó, việc chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tinh thần và trang bị cho bé những kỹ năng là cần thiết để bé bước vào tiểu học một cách suôn sẻ.
Trong bài viết dưới đây, eTeacher sẽ chia sẻ cho ba mẹ về những khác biệt khi con học tiểu học so với mẫu giáo, từ đó để ba mẹ hiểu và hỗ trợ con thích nghi với với môi trường mới một cách tốt nhất. Mời ba mẹ theo dõi!
- Khác biệt về cấu trúc học tập
Trong môi trường mẫu giáo, việc học tập được thiết kế linh hoạt và mang tính tương tác cao, với mục tiêu chính là khơi dậy niềm vui và đam mê khám phá thế giới xung quanh ở bé. Hoạt động học tập tại trường mẫu giáo không bị gò bó trong khuôn khổ của bất cứ bài giảng hay sách vở nào mà chủ yếu là chơi, và thông qua việc chơi, giúp bé tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và vui vẻ.
Mẫu giáo cũng chú trọng vào việc cho bé khám phá thế giới xung quanh, phát triển toàn diện. Các hoạt động ngoài trời, thăm quan giúp bé tiếp xúc với thiên nhiên và nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống. Nhờ vào phương pháp học tập linh hoạt này, bé sẽ thấy thoải mái tự do bộc lộ bản thân mà không hề cảm thấy áp lực.
Khi bước vào tiểu học, một trong những khác biệt lớn nhất so với mẫu giáo là bé sẽ được học theo lịch trình cố định, có tổ chức hơn. Thay vì tham gia các hoạt động tự do, trẻ bắt đầu thực hiện lịch học theo thời khóa biểu với các môn Toán, Tiếng Việt,… được sắp xếp cố định giúp bé hình thành khả năng tổ chức và quản lý thời gian, nhưng cũng đòi hỏi sự tập trung cao hơn cho việc học.
Một điểm khác biệt nữa về cấu trúc học tập ở tiểu học là bé sẽ không được tự do di chuyển trong tiết học, phần lớn thời gian ở trường bé sẽ ngồi yên để lắng nghe thầy cô giảng bài, thời gian học cũng lâu hơn so với mẫu giáo. Sau mỗi tiết học sẽ xuất hiện thêm các khái niệm mới như bài tập về nhà, bài kiểm tra mà trước đây bé chưa từng nghe ở mẫu giáo. Thời gian đầu chưa quen, bé sẽ dễ dàng cảm thấy áp lực, nhưng ở tương lai lâu dài việc này giúp hình thành khả năng tập trung, tính kỷ luật cho bé.
- Khác biệt về phương pháp giảng dạy
Khi bé chuyển từ mẫu giáo lên tiểu học, phương pháp giảng dạy cũng là một sự khác biệt đáng kể. Khi học mẫu giáo, phương pháp giảng dạy được thiết kế để khuyến khích các hoạt động trò chơi, bé được chơi đùa kết hợp với học tập, các bài học được diễn ra trong không khí vui vẻ thân thiện.
Giáo viên tại trường mẫu giáo thường sử dụng các câu chuyện, bài hát, trò chơi để khuyến khích bé bộc lộ cảm xúc, giao tiếp với bạn bè và xây dựng các mối quan hệ xã hội. Những bài học ở trường mẫu giáo chủ yếu dạy bé cách hợp tác, chia sẻ và giải quyết vấn đề thông qua các hoạt động nhóm, hoạt động vui chơi.
Ngược lại, với chương trình tiểu học, bé bắt đầu học theo sách giáo khoa chuẩn hóa với các môn học như Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ. Mỗi môn sẽ là một tiết học kéo dài khoảng 45 phút (tùy theo sự sắp xếp của trường). Không chỉ học theo sách giáo khoa, bé phải làm một số bài tập về nhà theo sách bài tập hoặc được giáo viên chỉ định.
Vào khoảng giữa kỳ và cuối kỳ, bé sẽ có một bài kiểm tra để đánh giá chất lượng học những kiến thức đã dạy. Chương trình học tại bậc tiểu học đặt nền tảng cho sự phát triển về mặt học thuật của bé. Các kỹ năng đọc, viết, tính toán cũng được rèn luyện từ đây.
Sự khác biệt về phương pháp giảng dạy giữa môi trường mẫu giáo và tiểu học cho thấy sự chuyển đổi giữa một lớp học vui tươi, linh hoạt sang một lớp học nghiêm túc, có cấu trúc hơn. Bé cần thích nghi những yêu cầu mới từ nhà trường, giáo viên nên cần rất nhiều sự giúp đỡ của ba mẹ trong giai đoạn này.
- Tính tự lập và trách nhiệm
Khi học mẫu giáo, bé chưa phải đối mặt với những yêu cầu cao về tính tự lập. Giáo viên thường hỗ trợ bé trong các hoạt động hàng ngày, từ việc chuẩn bị dụng cụ học tập đến việc chuẩn bị các trò chơi. Bé dường như không cần phải chịu một áp lực nào khi đến trường mà thay vào đó, bé được khuyến khích tham gia các hoạt động vui chơi dưới sự hướng dẫn của thầy cô.
Ngược lại, khi lên tiểu học bé bắt đầu tự chịu trách nhiệm về việc học tập và các hoạt động trong ngày tại trường. Bé phải tự soạn sách vở và dụng cụ học tập theo thời khóa biểu hàng ngày của nhà trường. Việc làm bài tập về nhà cũng trở thành một phần trong hành trình học tập của bé, bé cần tự giác hoàn thành bài tập của mình mà không có sự nhắc nhở, giám sát của giáo viên.
Từ việc tự chuẩn bị quần áo, sách vở, dụng cụ học tập, làm bài tập đúng hạn mỗi ngày bé dần hình thành khả năng chủ động, tự lập hơn và có trách nhiệm với các công việc của bản thân. Các bài kiểm tra và điểm xếp loại năm học sẽ phần nào làm bé thấy áp lực vì đây là điểm đánh giá nỗ lực cá nhân chứ không đơn thuần là phiếu bé ngoan cho các bé ở lớp mẫu giáo.
Tham khảo thêm Top 10 dụng cụ học tập cần thiết để bé vào lớp 1 nhé ba mẹ ơi!
- Tương tác xã hội và quan hệ bạn bè
Ở mẫu giáo, các mối quan hệ bạn bè của bé thường rất đơn giản, dựa trên sự vui chơi cùng nhau. Bé dễ dàng kết bạn với các bạn khác mà không có sự phức tạp về cảm xúc và các yếu tố xã hội khác. Ở độ tuổi này, các bé cũng không có xung đột lớn với nhau và có thể giải quyết dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Khi lên tiểu học, sự tương tác với bạn bè bắt đầu có phần đa dạng hơn. Các nhóm bạn thân thiết dần được hình thành thông qua sự tương đồng về sở thích, tính cách hoặc sự gắn kết thông qua các hoạt động ngoại khóa. Trẻ dần nhận thức rõ hơn về các mối quan hệ xã hội và bắt đầu học cách giải quyết các xung đột trong tình bạn. Tình bạn ở giai đoạn này bắt đầu sinh ra sự ganh đua, tranh giành hay cảm giác bị bỏ rơi chứ không còn đơn thuần như thời mẫu giáo.
Bên cạnh các kỹ năng học thuật, bé cũng tham gia các hoạt động nhóm tại trường tiểu học để nâng cao sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để đạt mục tiêu chung. Những kỹ năng này không chỉ hữu ích trong môi trường học tập mà còn tác động tích cực đến cuộc sống của bé sau này.
- Kết luận
Sự chuyển đổi môi trường từ mẫu giáo lên tiểu học ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của bé. Để giúp bé thích nghi với giai đoạn này ba mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con, giúp con hiểu rõ những thay đổi sắp tới và khuyến khích bé phát triển những kỹ năng cần thiết như tính tự lập và khả năng giải quyết vấn đề. Đồng thời ba mẹ cũng nên đồng hành hỗ trợ con trong việc chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập, làm bài tập về nhà trong những ngày đầu đến lớp.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng đến từ ba mẹ và bé là cần thiết để đảm bảo bé thích nghi với môi trường mới và đạt được kết quả tốt trong học tập. Sự ủng hộ của ba mẹ là chìa khóa tuyệt vời để bé vững bước tự tin tiến vào hành trình học tập tiếp theo. Chúc ba mẹ thành công!