![thi giữa kỳ](https://eteacher.vn/wp-content/uploads/2024/10/20240911-WEB-CACH-LAP-KE-HOACH-17-scaled.jpg)
Kì thi giữa kỳ là một trong những cột mốc quan trọng trong suốt năm học với học sinh nói chung và học sinh cấp 3 nói riêng. Đây là lúc đánh giá kiến thức của các em trong nửa đầu học kỳ của năm học mới và được coi là thời điểm tương đối nhạy cảm vì bé vừa quay lại học tập sau một kỳ nghỉ hè dài.
Điểm số của kì thi giữa kỳ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập mà còn là cơ hội để bé rèn luyện kỹ năng làm bài, củng cố kiến thức trước khi bước vào kỳ thi cuối kì đầy thử thách. Để đạt được kết quả tốt trong kì thi giữa kỳ, học sinh cần có kế hoạch ôn thi rõ ràng và hiệu quả để tránh được tình trạng “nước tới chân mới nhảy”, giảm bớt căng thẳng khi ngày thi đến gần.
Việc lập kế hoạch ôn thi giữa kỳ không chỉ đơn thuần là quản lý thời gian mà còn là phương pháp học cho từng môn, sắp xếp thời gian ôn tập sao cho hợp lý và khoa học. Tại sao việc lập kế hoạch ôn thi cần thiết và lập kế hoạch ôn thi thế nào cho hiệu quả? Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu của eTeacher, hãy để nhà Tím hướng dẫn bé trong bài viết dưới đây nhé!
1.Lợi ích của việc lập kế hoạch ôn thi giữa kỳ
1.1. Giảm áp lực và căng thẳng
Thay vì phải dồn sức ôn tập tất cả các môn trong thời gian ngắn trước ngày thi giữa kỳ, việc có một kế hoạch ôn thi giúp bé phân bổ thời gian ôn tập từng môn qua các tuần. Điều này giúp bé không cảm thấy quá tải và tránh được cảm giác “chạy nước rút” căng thẳng. Thêm vào đó, một kế hoạch ôn tập cụ thể sẽ giúp bé có tầm nhìn rõ ràng về lượng kiến thức cần ôn tập và có thể hoàn thành từng phần một một cách có hệ thống.
Nhờ đó, tâm lý của bé cũng trở nên nhẹ nhàng hơn khi không có áp lực về thời gian. Khi hoàn thành từng phần công việc theo kế hoạch, một phần nào đó sẽ giúp bé cảm thấy có động lực và tự tin hơn khi bước vào kì thi.
![thi giữa kỳ](https://eteacher.vn/wp-content/uploads/2024/07/WEB-5-01-1024x686.jpg)
1.2. Tăng cường khả năng nắm bắt kiến thức
Khi thời gian ôn tập được phân chia hợp lý nhờ kế hoạch học tập, học sinh sẽ có thời gian học sâu, hiểu rõ kiến thức thay vì chỉ học qua loa hoặc học vẹt. Một kế hoạch ôn tập cho kì thi giữa kì phù hợp sẽ ưu tiên ôn tập những nội dung quan trọng, sau đó củng cố các kiến thức đã học và rèn luyện bằng bài tập.
Trong quá trình ôn tập, bé sẽ dễ dàng nhận ra những yếu điểm của mình và dành thời gian cải thiện nó. Khi học các kiến thức một cách từ từ, có hệ thống, bé sẽ phản ứng tốt hơn trong quá trình làm bài vì không bị rối loạn kiến thức.
1.3. Duy trì kỷ luật học tập
Một kế hoạch ôn thi giữa kì hiệu quả sẽ tạo ra khung thời gian rõ ràng, giúp bé biết được thời gian nào cần học, thời gian nào cần nghỉ ngơi, hạn chế tình trạng bé lơ là hoặc đình trệ việc học. Khi đã có một lịch học rõ ràng, bé sẽ có động lực tuân thủ và duy trì nó một cách đều đặn. Nhờ vậy, không chỉ trong thời gian ôn tập thi giữa kỳ mà trong suốt năm học bé sẽ hình thành thói quen học tập kỷ luật.
Ngược lại, nếu không có một kế hoạch cụ thể, bé sẽ bị xao nhãng, học tập một cách tùy hứng dẫn đến việc không nắm vững kiến thức và mất cân bằng giữa các môn học. Ngoài ra, kế hoạch học tập còn giúp bé quản lý được thời gian nghỉ ngơi và giải trí, đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần trong suốt quá trình ôn thi.
2.Các bước lập kế hoạch ôn thi giữa kỳ hiệu quả
2.1. Đánh giá khối lượng kiến thức cần ôn tập
Đánh giá khối lượng kiến thức cần ôn tập cho kỳ thi giữa kỳ là bước đầu tiên để bé có cái nhìn toàn diện về các môn học và khối lượng những nội dung cần phải tập trung ôn luyện. Đây chính là cơ sở đầu tiên để bé phân bổ thời gian học tập sao cho hợp lý.
Để thực hiện bước này, học sinh bắt đầu bằng việc liệt kê tất cả các môn học có trong kỳ thi giữa kỳ. Sau đó, với từng môn học, bé tiến hành phân chia kiến thức theo các chương, bài học, hoặc các phần quan trọng đã được giáo viên giảng dạy. Với một số môn học, giáo viên sẽ cho đề cương ôn tập, bé cần bám sát vào các đề cương này để xác định chính xác phần cần ôn tập, tránh việc tốn thời gian cho những kiến thức không cần thiết.
2.2. Xác định thời gian cụ thể cho từng môn
Sau khi đã xác định được lượng kiến thức cần ôn tập, bé bắt đầu bước tiếp theo là xác định thời gian cụ thể cho từng môn học. Trước tiên, học sinh cần lên thời khóa biểu chi tiết cho mỗi ngày, đảm bảo rằng mỗi ngày đều có thời gian dành cho việc ôn tập.
Thời gian học mỗi ngày nên chia theo khung giờ ngắn, kéo dài từ 45 phút đến 1 tiếng và có chèn các khoảng nghỉ ngơi từ 5-10 phút để giữ tinh thần tỉnh táo. Đối với từng ngày, bé chỉ nên chọn 2-3 môn để ôn tập, thay vì ôn quá nhiều môn một lúc, tránh việc dồn quá nhiều kiến thức khiến não bộ không thể tập trung.
Một số môn học có nội dung phức tạp, đòi hỏi thời gian ôn tập nhiều do kiến thức khó và dày đặc như Toán, Lý, Hóa. Những môn này thường đòi hỏi học sinh phải tư duy logic, giải quyết vấn đề và vận dụng công thức do đó bé cần dành nhiều thời gian hơn cho việc giải bài tập, luyện đề và hiểu sâu các khái niệm cơ bản.
Đối với các môn xã hội như Sử, Địa,…phần lớn kiến thức yêu cầu bé học thuộc lòng và ghi nhớ, việc bé cần làm là lên kế hoạch học thuộc lòng, tạo các ghi chú tóm tắt hoặc sơ đồ tư duy để dễ dàng ôn tập.
Bên cạnh phân bổ thời gian theo độ khó của từng môn học thì bé cũng cần dựa vào điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Bé nên xem xét môn nào mình giỏi hơn để bớt thời gian ôn tập và tập trung vào những môn mình còn yếu. Ngoài ra, bé cũng nên xen kẽ giữa các môn giải bài tập logic với các môn ghi nhớ để giúp não bộ thay đổi hoạt động và giảm bớt căng thẳng.
2.3. Chọn phương pháp học tập phù hợp
Mỗi học sinh sẽ có khả năng khác nhau và phù hợp với những phương pháp học tập khác nhau. Một phương pháp khá phổ biến và hiệu quả là sử dụng sơ đồ tư duy (mind map) để hệ thống hóa kiến thức. Phương pháp này giúp bé dễ dàng hình dung và tổ chức lại các phần kiến thức một cách logic và khoa học.
Với sơ đồ tư duy bé có thể kết nối các chủ đề, ý tưởng chính với các chi tiết phụ từ đó ghi nhớ lâu hơn và dễ dàng ôn lại trước kỳ thi. Việc sử dụng hình ảnh, màu sắc và ký hiệu trong sơ đồ cũng giúp não bộ tiếp thu thông tin tốt hơn.
Làm đề thi thử giữa kì cũng là phương pháp rất hữu ích để bé làm quen với cấu trúc đề thi và các dạng câu hỏi. Khi thực hành với các đề thi, học sinh không chỉ rèn luyện được kĩ năng giải đề mà còn cải thiện tốc độ làm bài. Bên cạnh đó, làm đề thi thử còn giúp bé nhận ra những điểm yếu cần cải thiện và có chiến lược phân bổ thời gian hợp lý cho từng phần thi. Khi đã quen với cấu trúc đề thi, bé sẽ tự tin hơn khi làm bài thi chính thức.
![thi giữa kỳ](https://eteacher.vn/wp-content/uploads/2024/07/WEB-16-01-1024x686.jpg)
2.4. Thiết lập mục tiêu dài hạn và ngắn hạn
Mục tiêu ngắn hạn giúp bé tập trung vào từng nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như hoàn thành một chương học trong 2 ngày hoặc luyện tập một dạng bài tập trong một buổi học. Các mục tiêu này giúp tạo động lực và cảm giác đạt được thành tựu mỗi khi hoàn thành. Bên cạnh đó, mục tiêu dài hạn như điểm số mong muốn trong kì thi giữa kỳ giúp bé có một tầm nhìn rõ ràng về kết quả từ đó kiên trì và nỗ lực.
Bé cũng cần kiểm tra tiến độ ôn tập thường xuyên để đảm bảo rằng mình đang đi đúng hướng. Nếu gặp khó khăn hoặc tiến độ không như kế hoạch, kịp thời điều chỉnh mục tiêu hoặc điều chỉnh phương pháp học tập để đạt kết quả tốt nhất.
Tham khảo thêm KẾ HOẠCH HỌC TẬP DÀI HẠN VÀ NGẮN HẠN: ĐIỂM KHÁC BIỆT VÀ TẠI SAO CẦN CẢ HAI?
3.Kết luận
Kế hoạch ôn thi giữa kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả của kì thi. Một kế hoạch chi tiết và hợp lý sẽ giúp bé phân bổ thời gian đúng đắn, hạn chế tối đa căng thẳng và giúp quá trình ôn tập diễn ra suôn sẻ. Qua bài viết trên, eTeacher mong rằng bé đã biết cách lập cho mình một kế hoạch ôn thi giữa kỳ khoa học nhất.
Chúc bé vượt qua kỳ thi một cách thuận lợi.