Tư duy phản biện là gì? Tầm quan trọng của nó với sự phát triển trí tuệ của trẻ như thế nào? Và làm sao để rèn luyện tư duy phản biện? Bài viết này của eTeacher sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi đó.

1. Tư duy phản biện là gì?
Tư duy phản biện hay còn gọi là Critical thinking là suy nghĩ hình thành từ 3 yếu tố “Phân tích” “Đánh giá” và “Cải thiện”.
– “Phân tích” là khả năng nhìn nhận thông tin một cách khách quan, đa chiều.
– “Đánh giá” là dựa vào những phân tích để đánh giá tính thuyết phục của thông tin.
– “Cải thiện” là đặt ra những câu hỏi đào sâu vấn đề, khắc phục điểm sai và cải thiện hướng giải quyết.
Tóm lại, tư duy phản biện là phân tích, đánh giá theo góc nhìn đa chiều nhằm xác thực tính chính xác của thông tin được tiếp nhận và tư duy để cải thiện vấn đề.

2. Tầm quan trọng của việc rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ
2.2. Tư duy phản biện giúp trẻ sàng lọc thông tin
Thế giới quan của con trẻ phức tạp hơn những gì chúng ta nghĩ. Các em luôn hiếu kỳ và muốn tìm hiểu về mọi điều xảy ra xung quanh mình.
Đồng thời, dưới sự phát triển của thời đại 4.0, các thiết bị internet được sử dụng phổ biến cùng với nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị, càng là điều kiện thuận lợi cho việc học hỏi của các em sẽ còn dễ dàng hơn cả. Thông tin mà các em tiếp nhận sẽ không còn gói gọn trong những gì gia đình và nhà trường truyền đạt. Do đó, trẻ cần cần phải được trang bị khả năng tư duy phản biện. Điều này giúp trẻ tự kiểm chứng tính thuyết phục của những gì mình tiếp nhận, sàng lọc thông tin và giải quyết vấn đề một cách độc lập.

2.2. Tư duy phản biện giúp trẻ mở rộng nhận thức
Nhiều người lớn có thể sẽ thấy mệt mỏi khi phải liên tục trả lời những câu hỏi ngây ngô của trẻ. Nhưng đó lại là cách để chúng chủ động mở rộng hiểu biết về mọi vấn đề trong cuộc sống.
Khi đặt câu hỏi, trẻ sẽ hình thành được liên kết giữa những gì “con biết” và những gì “thật sự đã xảy ra”. Con sẽ có thể nhìn nhận chúng ở nhiều khía cạnh hơn và mở rộng khả năng nhận thức. Biết thêm một điều mới cũng sẽ thúc đẩy ham muốn tìm tòi, khám phá và học hỏi của con.

2.3. Tư duy phản biện giúp trẻ rèn luyện khả năng độc lập
Khi con đã hình thành khả năng phân tích và đánh giá, con sẽ có khả năng tự giải quyết vấn đề. Qua các tình huống trong đời sống, bé sẽ tích lũy cho mình một “nhà kho” riêng lưu trữ những giải pháp mà bé được dạy hoặc tự sáng tạo nên. Khi gặp vấn đề, bé sẽ tự “lục lọi” để tìm ra giải pháp phù hợp mà không cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ. Cách giải quyết của bé có thể đúng hoặc sai, nhưng nó sẽ là một bài học để giúp trẻ làm phong phú thêm trải nghiệm của mình.

3. Cách rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ
Trẻ con rất thích đặt câu hỏi cho các vấn đề xảy ra xung quanh, tuy nhiên chỉ vậy thôi thì chưa đủ để rèn luyện tư duy phản biện. Trong quá trình rèn luyện kỹ năng này, trẻ vẫn cần có sự giúp đỡ của người lớn. Bố mẹ có thể tham khảo các gợi ý sau đây để giúp bé phát triển tốt hơn.

3.1. Đặt câu hỏi gợi mở để trẻ rèn luyện khả năng tư duy
Trẻ con ở độ tuổi này thường thích đặt ra những câu hỏi “Vì sao?” “Như thế nào?” cho người khác. Đây là một cách hay để học hỏi, nhưng lại không thể nhớ lâu. Để giải quyết vấn đề này, bố mẹ cần giúp con biết cách vận dụng chúng.
Thỉnh thoảng bố mẹ nên đặt ngược lại cho bé các câu hỏi tương tự như “Tại sao lá cây lại màu xanh con nhỉ?” “Nước cam bị chua quá, bây giờ chúng ta phải làm sao đây con?…để giúp bé vận dụng trí nhớ, tự tìm kiếm câu trả lời thích hợp.
Bố mẹ cũng nên hạn chế đặt câu hỏi “Có – Không”, vì sẽ dễ kìm hãm suy nghĩ của trẻ. Thay vì hỏi “Hôm nay con đi học có vui không?”. Hãy hỏi “Hôm nay ở trường có chuyện gì mà trông con vui thế?”. Khi đó bé buộc phải nghĩ ra một câu trả lời cụ thể hơn là chỉ nói “Có” hoặc “Không”.

3.2. Cùng bé thảo luận trong lúc chơi
Trẻ con rất thích được cùng người khác thảo luận về điều mà chúng đang suy nghĩ. Đặc biệt là về nội dung hoặc các tình huống trong sách, phim hoặc trò chơi. Khi chơi cùng con, hãy để bé tự do bộc lộ suy nghĩ và cùng bé phân tích tình hình. Như vậy sẽ tạo được cho trẻ sự hứng thú và tăng cường khả năng tư duy của con.

3.3. Tạo cơ hội cho con tự quyết định, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con
Con trẻ cũng có suy nghĩ và sở thích riêng. Chúng có thể tự giải quyết một số vấn đề nhỏ như chọn đi đôi giày nào, thích nghe bài gì hoặc muốn ăn món nào. Đôi lúc, có thể trẻ sẽ đưa ra lựa chọn bất hợp lý. Khi đó, đừng vội phản bác ngay mà hãy hỏi con lý do con đưa ra quyết định như vậy. Việc tự lý giải cho lựa chọn của mình cũng là một cách con thực hành tư duy phản biện.

3.4. Khuyến khích con sáng tạo
Trẻ con luôn sẽ cách nhìn khác biệt với người lớn. Bố mẹ cần tạo điều kiện để con tự tin thể hiện góc nhìn đó ra bên ngoài. Sáng tạo và thuyết phục mọi người tin theo con cũng là một biện pháp hay để con rèn luyện khả năng phản biện.
Đừng cười hoặc chọc con khi con nhìn nhận sai vấn đề. Bởi nếu trẻ suy nghĩ sai, chúng ta sẽ có thể giúp bé sửa. Nhưng nếu chúng ta cười, trẻ sẽ mất tự tin thể hiện, và chúng ta cũng sẽ mất đi cơ hội để hiểu thêm về trẻ.

3.5. Dạy cho trẻ quy tắc ứng xử khi phản biện.
Khi cùng thảo luận với con, sẽ có trường hợp trẻ khăng khăng với ý kiến của mình, và lớn tiếng phản đối bố mẹ. Vậy nên hãy dạy con tuân thủ một số nguyên tắc nhất định khi tranh luận, điều này sẽ giúp trẻ biết cách thể hiện quan điểm một cách đúng mực, nhưng vẫn giữ sự tôn trọng với đối phương.

4. Các sai lầm khi rèn luyện tư duy phản biện
Trong quá trình hình thành cho trẻ cách tư duy phản biện, bố mẹ cần phải lưu ý một số điều sau:
– Tư duy phản biệt không phải “vạch lá tìm sâu”: Bản chất của tư duy phản biện là phân tích đa chiều vấn đề để cải thiện hướng giải quyết. Không phải là chăm chăm đi tìm lỗi sai để hạ thấp ý kiến người khác. Thái độ nên có khi phản biện là sự cầu thị. Cần phải tôn trọng đối phương và quan điểm của họ, khi đó quan điểm của mình mới được tôn trọng.
– Không nên đưa cảm xúc cá nhân vào ý kiến: Khi phản biện, mọi lý lẽ nên được lập luận dựa trên thông tin, số liệu, kiến thức, kinh nghiệm…Không nên bị tác động bởi cảm xúc cá nhân vì sẽ thiếu tính logic và dễ xảy ra xung đột.
– Phản biện không phải là “bác bỏ”: Hạn chế đưa ra câu trả lời “Đúng – Sai” trong quá trình phản biện, mà không kèm theo lời giải thích. Nó sẽ khiến đối phương cảm thấy không được tôn trọng, vấn đề cũng không được khai thác sâu.

Christopher Hitchens – một nhà văn nổi tiếng tại nước Anh từng nói: “Bản chất của tư duy không nằm ở những gì ta suy nghĩ, mà ở phương pháp suy nghĩ”. eTeacher mong rằng bài viết vừa rồi có thể giúp bạn hiểu hơn về tư duy phản biện. Từ đó biết cách ứng dụng để nó trở thành một kỹ năng hữu ích cho con trẻ trong quá trình học tập và phát triển.

Call Now Button