Bố mẹ sẽ làm gì nếu một ngày phát hiện con mình nói dối? Trẻ nói dối có phải là biểu hiện của việc thiếu tôn trọng bố mẹ không? Hay đó là một vấn đề tâm lý cần được người lớn thấu hiểu.
Hãy cùng eTeacher hiểu hơn về con qua bài viết này nhé!

1. Mục đích của việc nói dối ở trẻ?
Ở tuổi này, trẻ ít nhiều đã có khả năng nhận thức lời nói của mình. Vì vậy, những lời nói dối của trẻ hầu hết đều để phục vụ một mục đích cụ thể. Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, có ba mục đích thường thấy cho vấn đề này:

Một là vì lợi ích của bản thân.
Ở bất kì độ tuổi nào, trẻ đều có thể có những mong muốn hoặc suy nghĩ không thể trình bày rõ ràng với bố mẹ. Vì vậy trẻ sẽ chọn cách nói dối để che giấu, hoặc để đạt được một mục đích khác của mình.

Hai là để tránh làm tổn thương người khác.
Đây không hẳn là nói dối, trẻ chỉ đang cố gắng nói giảm, nói tránh một chuyện có thể làm tổn thương người nghe. Khi người khác không hiểu ý trẻ, những lời này sẽ được đánh giá như một lời nói dối.

Ba là để bao biện cho lỗi lầm của chính mình.
Khi trẻ gây ra một lỗi lầm không thể tự xử lý. Đối diện với sự chất vất dồn dập từ người khác, trẻ sẽ cố gắng lấp liếm đi bằng một lời nói dối. Đây như một cách để tự vệ trước những điều nằm ngoài sự kiểm soát của trẻ.

Dù mục đích là gì, những lời nói dối vẫn sẽ khiến bố mẹ bất ngờ, thậm chí thấy tổn thương khi phát hiện. Tuy nhiên, trước khi la mắng con, bố mẹ nên dành thời gian nhìn nhận lại xem nguyên nhân khiến trẻ đưa ra lời nói dối này là gì. Tuyệt đối tránh việc lớn tiếng với trẻ một cách nóng vội, điều này sẽ khiến sự việc càng tệ hơn.

2. Nguyên nhân trẻ nói dối
Cũng như mục đích, có nhiều nguyên nhân đằng sau quyết định che giấu sự thật của trẻ.

2.1. Trẻ muốn che giấu lỗi lầm
Con cái là niềm tự hào của bố mẹ. Việc bố mẹ luôn tin tưởng vào con là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu sự kỳ vọng trở nên cực đoan, sẽ dẫn đến nhiều biểu hiện tâm lý tiêu cực ở trẻ. Một trong số đó là cố gắng nói dối để lấp liếm lỗi sai của mình. Khi con bị điểm kém, hoặc có bất kì vấn đề gì, trẻ sẽ cố gắng che giấu chúng. Tất cả chỉ để giữ hình tượng con ngoan trò giỏi trong mắt bố mẹ và thầy cô.

2.2. Trẻ không đủ tin tưởng bố mẹ
Khi xảy ra vấn đề, bố mẹ luôn quy mọi trách nhiệm về con. Khi con chia sẻ vấn đề với bố mẹ, bố mẹ không kiên nhẫn lắng nghe con nói. Hoặc coi đó là một câu chuyện phiếm và mang đi kể với bạn bè. Những điều trên đều là sự thúc đẩy khiến con mất dần niềm tin vào bố mẹ. Khi đó, dù xảy ra chuyện gì, bố mẹ không còn là nơi mà trẻ tự tin chia sẻ.

2.3. Trẻ cảm thấy không an toàn khi chia sẻ
Nếu trẻ nghĩ rằng việc thú nhận với bố mẹ có thể bị phạt thì có thể hiểu được. Tuy nhiên nếu con bị đe dọa, đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng hơn. Trẻ có thể đang đối mặt với tình trạng bắt nạt, thậm chí bạo lực từ người khác. Điều này có thể đi kèm với các biểu hiện tâm lý bất thường khác: ghét đi học, sợ bị động chạm,…Trong trường hợp này, bố mẹ cần tìm hiểu kỹ để có biện pháp xử lý và hỗ trợ con một cách tốt nhất.

3. Bố mẹ cần làm gì khi phát hiện con nối dối?
3.1. Trong bất cứ trường hợp nào, cha mẹ nên là người mà trẻ có thể đặt niềm tin vào.
Đừng vội vàng chất vấn con, cũng đừng buộc tội con ngay thời điểm con bị phát hiện. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng trò chuyện cùng con. Việc con nói dối phần nhiều nguyên nhân là vì trẻ không đủ tin tưởng để chia sẻ với người khác. Vì vậy hãy coi đây là cơ hội để củng cố niềm tin của con vào bố mẹ. Khi con đủ tin tưởng, con sẽ tự giác nói ra sự thật và nguyên nhân con làm như vậy.

3.2. Bày tỏ quan điểm của mình với con một cách mềm mỏng
Khi phát hiện con nói dối, bố mẹ có thể tức giận, tuy nhiên dừng thể hiện cảm xúc đó một cách quá mạnh mẽ. Điều này sẽ chỉ khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. Thay vào đó, hay nhẹ nhàng bày tỏ cho con thấy rằng mình buồn và thất vọng. Một đứa trẻ hiểu chuyện sẽ biết tự nhìn nhận lỗi sai của mình và không tái phạm nữa.

4. Làm thế nào để con không nói dối?

4.1. Trở thành người mà con có thể tin tưởng.

Điều này là rất khó và cần nhiều thời gian để xây dựng. Bố mẹ nên luyện cho mình sự bình tĩnh trước mọi tình huống xảy ra. Phải cho con thấy rằng mình là người mà con có thể tin tưởng chia sẻ. Là người sẽ giúp con giải quyết vấn đề. Và cũng là người luôn đừng về phía con để cùng con chịu trách nhiệm với mọi sai sót.

4.2. Nói thật hoặc không nói gì cả.
Bố mẹ muốn con không nói dối thì trước hết phải trở thành tấm gương cho cho noi theo. Trong đời sống hằng ngày, sự thành thật giữa các thành viên gia đình nên được đề cao. Bố mẹ nên tránh tuyệt đối việc phát ngôn những thông tin sai sự thật trước mặt con.

Nếu có tình huống đòi hỏi phải nói giảm, nói tránh, bố mẹ có thể chọn nói khi không có sự hiện diện của trẻ. Trong trường hợp trẻ đang ở gần, giữ im lặng sẽ là một cách an toàn. Bằng cách này, bố mẹ có thể xây dựng một môi trường giao tiếp trung thực cho trẻ phát triển.
Thực chất, việc nói dối ở trẻ cũng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, bố mẹ cần phải tìm hiểu nguyên nhân đằng sau những lời đó. Nếu vấn đề trẻ nói không ảnh hưởng nhiều đến chính trẻ và người khác, đừng vạch trần trẻ ngay lập tức. Thay vào đó, hãy âm thầm thông báo cho trẻ rằng mình đã nhận ra một cách tế nhị. Điều này vừa giúp trẻ hiểu lỗi sai của mình, vừa không bị xấu hổ và phải nói dối nhiều hơn để lấp liếm.

Call Now Button