Mình đã vượt qua khó khăn trong ôn luyện thi tuyển sinh 10 như thế nào?

 

Làm thế nào để vượt qua những khó khăn trong ôn luyện thi tuyển sinh 10? Khám phá ngay những bí quyết hữu hiệu qua bài viết sau đây!

 

Bạn đã từng gặp những trở ngại to lớn trong quá trình ôn luyện kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chưa? Mình đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đó và đã vượt qua với kết quả ngoài mong đợi. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của mình trong quá trình ôn luyện kỳ thi tuyển sinh 10. Mình rất mong bài viết này sẽ giúp ích cho bạn!

 

Mình đã gặp những khó khăn gì?

  • Không biết bắt đầu từ đâu

Điều đầu tiên mình nghĩ đa số các bạn học sinh lớp 9 gặp phải trong quá trình ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh 10 đó chính là khó khăn ở bước bắt đầu. Mình cũng thế, mình không biết bắt đầu từ đâu. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với mình, thậm chí còn khó khăn hơn cả việc gặp những bài khó trong quá trình ôn luyện. 

Mỗi ngày mình đều suy nghĩ trong đầu rằng: “Hôm nay mình sẽ ôn bài 3 tiếng”, “Hôm nay mình sẽ học thuộc tất cả ngữ pháp tiếng Anh”, “Hôm nay mình sẽ luyện 3 đề Toán”. Mặc dù đặt mục tiêu là thế, nhưng mỗi khi đến giờ học, mình lại cảm thấy nặng nề và mệt mỏi. Có lúc mình vẫn ngồi vào bàn nhưng không tài nào tập trung được. Mỗi khi điện thoại run, mình lại như thói quen, cầm lên và lướt mạng xã hội một lúc lâu. Mỗi khi trước giờ học mình lại buồn ngủ, thèm ăn và rồi viện đủ mọi lí do để trì hoãn việc ôn luyện. Việc này diễn ra xuyên suốt đối với mình trong 2 tuần. Và đó cũng là lúc mình nghĩ: “Thôi không ổn rồi, mình cần làm một điều gì đó để thay đổi”.

 

Và đó chính là khó khăn đầu tiên của mình. Mình không biết bắt đầu học từ đâu, thế nên sinh ra tâm lý chán nản. Mình không có kế hoạch cụ thể, do đó đôi khi mình bị mất phương hướng ngay trong lúc đang học. Mình không có nguồn tài liệu chất lượng, vậy nên việc tự học, tự ôn luyện không hiệu quả. Mặc dù đây là một khó khăn nhưng mình cảm thấy vô cùng may mắn vì mình đã nhận ra điều này sớm.

  • “Tiêu cực tấn công”

Tự học là một quá trình gian nan. Đặc biệt là đối với người khó tập trung như mình thì việc có thể tự học là một nỗ lực rất lớn. Không biết có bạn học sinh lớp 9 nào giống như mình không, mình thường xuyên bị “tiêu cực tấn công” trong suốt quá trình ôn luyện. 

 

“Tiêu cực tấn công” ở đây nghĩa là có đôi lúc, mình vô cùng chán nản và mệt mỏi. Có những ngày đột nhiên mình bị mất phương hướng, mình tự hỏi bản thân rằng không biết mình có đi đúng hướng hay không. Liệu mình có thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh 10 này hay không? Có nhiều ngày liền mình chán đến mức chỉ muốn nằm trên giường cả ngày, chẳng buồn đụng đến sách vở. Đó chính là hiện tượng mình tự đặt tên, đúng với bản chất của nó: “Mình đang bị tiêu cực tấn công”.

 

Đây chính là khó khăn thứ hai của mình. Và cho đến thời điểm hiện tại, mình cũng thường xuyên gặp vấn đề này. Có lẽ vì gặp nhiều quá nên mình không còn sợ nó nữa. Mình đã học cách chấp nhận những điều tiêu cực. Và mình nghĩ rằng, ai trong chúng ta cũng sẽ gặp hiện tượng này thôi, một điều rất bình thường. 

  • Áp lực đồng trang lứa

Có lẽ các bạn cũng đã quá quen với cụm từ này rồi đúng không? Ở mỗi độ tuổi khác nhau, chúng ta sẽ gặp những áp lực đồng trang lứa khác nhau. Thế nên các bạn học sinh lớp 9 đừng quá lo lắng, mình của năm ấy cũng đã rất áp lực về vấn đề này. Mình sẽ chia sẻ đến các bạn bí quyết để mình vượt qua nó nhé!

Nói về áp lực đồng trang lứa của mình, mình không bị ba mẹ so sánh với con nhà người ta. Mình cũng chẳng phải đối mặt với những lời nói tổn thương của cô hàng xóm hay chú bác họ hàng. Có lẽ mình cũng khá may mắn nhỉ? Mình chính là thủ phạm tự áp lực bản thân. 

 

Các bạn thử tưởng tượng xem, mỗi ngày các bạn đến lớp, bạn bè ai cũng cắm cúi ôn bài, hỏi han về những bài tập khó hay những lời tiên đoán về đề thi, các bạn có áp lực không? Với mình thì có, mình luôn cảm thấy mệt mỏi và áp lực trong suốt quá trình ôn luyện kỳ thi tuyển sinh 10 ấy. Dường như mình không thể ngừng nghĩ về những bài toán khó chưa giải ra, những từ vựng tiếng Anh cứ liên tục hiện lên hay những bài văn dài đằng đẵng ấy. Lúc ấy mình chỉ nghĩ đến “Học, học, học và học”. Mỗi khi 

mình định nghỉ ngơi, mình lại nghĩ rằng: “Bạn bè của mình chắc vẫn đang học nhỉ? Lỡ mọi người đều đậu còn mình rớt thì làm sao? Lỡ như điểm mình thấp nhất lớp thì sẽ thế nào? Mọi người sẽ cười chê mình, mình sẽ là đứa kém cỏi nhất!”. Những suy nghĩ ấy ngày đêm cứ thúc giục mình, buộc mình phải luôn trong trạng thái học tập không ngừng nghỉ. 

 

Mình nhớ có những hôm, mình học bài đến tận 12 giờ khuya. Vừa định nằm xuống ngủ, tự dưng đứa bạn nhắn tin trong nhóm hỏi: “Có ai giải ra bài này chưa?”. Thế là nhóm bắt đầu bàn tán xôn xao về một bài toán. Mình cũng phải ngồi dậy quyết giải cho ra với tinh thần: “Mọi người làm được thì mình cũng phải làm được”. Những tưởng chăm chỉ, siêng năng học tập thế là tốt, nhưng không, đó là do mình đang áp lực, tinh thần mình đang vô cùng mệt mỏi.

 

Mình đã vượt qua những khó khăn như thế nào?

  • Xây dựng mục tiêu và kế hoạch học cụ thể

Để giải quyết khó khăn đầu tiên của mình, để biết mình cần bắt đầu từ đâu và đi như thế nào, mình đã xây dựng mục tiêu và kế hoạch học cụ thể. Có thể các bạn đã nghe qua bí quyết này và thậm chí đã áp dụng nhưng không hiệu quả. Đó là vì các bạn đang áp dụng chưa đúng hoặc chưa đủ.

 

Như mình đang chia sẻ ở trên, mình đã tự đặt ra mục tiêu cho bản thân. Mục tiêu đó cũng rất cụ thể, nhưng mình lại sai ở chỗ, mục tiêu ấy chỉ nằm trong đầu và đôi khi mình cũng quên mất nó. Thế nên, điều bạn cần làm đó chính là viết mục tiêu ấy ra giấy và dán ở nơi bạn dễ dàng nhìn thấy nhất. Khi bạn viết ra giấy, bạn sẽ nhớ nó lâu hơn và có trách nhiệm với mục tiêu của mình hơn. Bạn nên nhớ, mục tiêu càng cụ thể càng chất lượng

 

Bạn có thể áp dụng mô hình SMART để tạo lập mục tiêu. Mô hình SMART là một phương pháp hữu ích để thiết lập mục tiêu hiệu quả dựa trên 5 tiêu chí: Tính cụ thể (Specific), Có thể đo lường (Measurable), Thành tựu (Achievable), Sự liên quan (Relevant) và Thời hạn đạt được mục tiêu (Time – bound). Ví dụ, khi áp dụng mô hình SMART trong việc học tiếng Anh:

  • Tính cụ thể: Mục tiêu là “giỏi tiếng Anh.”
  • Có thể đo lường: Mục tiêu trở nên cụ thể hơn khi bạn đặt ra mục tiêu “giỏi tiếng Anh trong vòng 6 tháng.”
  • Thành tựu: Các bước nhỏ đạt được ở ngày đầu tiên, như hoàn thành chương 1, tập trung học ngữ pháp và từ vựng mới, hoàn thành bài tập.
  • Sự liên quan: Tiếp theo, bạn sẽ thuộc tất cả ngữ pháp trong 1 tháng, và sau đó bắt đầu giao tiếp với người nước ngoài.
  • Thời hạn: Kế hoạch hằng ngày bao gồm việc học 10 từ vựng mới mỗi ngày và luyện nghe tiếng Anh 30 phút vào mỗi sáng sau khi thức dậy.

Đối với mình, mục tiêu như vậy là chất lượng, cụ thể, rõ ràng và có thời hạn. Bạn có thể viết thêm lời cam kết với bản thân để tăng trách nhiệm của bạn đối với mục tiêu này nhé. Mình đã viết lời cam kết rằng: “Tôi hứa tôi sẽ hoàn thành mục tiêu mình đề ra trong vòng 03 tháng”. Khi viết ra như thế và nhìn thấy nó mỗi ngày, việc ngồi vào bàn và bắt đầu học của mình cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

 

Kế hoạch học tập là bước tiếp theo sau khi thiết lập mục tiêu. Mình đã xây dựng thời gian biểu chi tiết cho bản thân. Thời gian biểu cần đáp ứng những tiêu chí sau:

  • Phân bổ thời lượng học dựa trên thứ tự ưu tiên các môn. Môn nào mình yếu nhất, mình sẽ dành thời gian cho nó nhiều hơn các môn còn lại. Nhưng tuyệt đối, mình vẫn ôn luyện đầy đủ ba môn. Điều này giúp mình bổ sung kiến thức cho môn yếu, khắc phục những lỗi sai của bản thân nhưng vẫn dành thời gian đủ cho các môn còn lại. 
  • Không nên chỉ học và học. Thời gian biểu chất lượng sẽ phân bổ thời gian phù hợp, đảm bảo cân bằng giữa việc học và các hoạt động khác. Chúng ta không thể học 24/24 được, chất lượng học tập của bạn được quyết định bởi bộ não của bạn. Chính vì thế, bạn nên chăm sóc não bộ của mình nhiều hơn để nó hoạt động hiệu quả hơn. Việc nghỉ ngơi, ăn uống, tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp bạn có thêm năng lượng để học. Mình đã áp dụng phương pháp Podomoro để có một thời gian biểu chất lượng. Sau 30 phút học liên tục, mình sẽ nghỉ ngơi khoảng 5 đến 10 phút. Trong thời gian đó, mình sẽ đi uống nước, đứng lên đi vòng quanh phòng hay ăn trái cây. Tuy nhiên, mình tuyệt đối không đụng đến điện thoại. Mình tin không chỉ mình mà các bạn cũng dễ bị cám dỗ bởi điện thoại và mạng xã hội đúng không nào? Điều này giúp mình tập trung học hơn nhưng vẫn không bị kiệt sức khi học 3 đến 4 tiếng liên tục.
  • Nên có sự điều chỉnh cho phù hợp. Mình không thể đếm hết số lần mình chỉnh sửa thời gian biểu. Mình cũng như các bạn, không thể nào có chuyện hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên. Ban đầu, thời gian biểu của mình rất sơ sài, chỉ ghi vài hoạt động và không có thời gian nghỉ ngơi. Sau một tuần thực hiện, mình cảm thấy kiệt sức và không phù hợp. Thế là mình thay đổi. Qua một tháng, mình cảm thấy bản thân dành thời gian cho môn Toán quá nhiều trong khi môn Văn lại quá ít. Thế là mình lại thay đổi để phù hợp hơn. Chính vì thế, các bạn đừng lo lắng rằng cần phải tạo ra một thời gian biểu chất lượng ngay từ lần đầu tiên. Việc học, tâm lý, thể chất của bạn thay đổi từng ngày, việc điều chỉnh cho phù hợp là điều đương nhiên. Không có khái niệm cho cụm từ “thời gian biểu chất lượng”, “chất lượng” ở đây là khi thời gian biểu đó phù hợp với bạn và giúp bạn đạt được hiệu quả tốt nhất.
  • Sạc pin cho bản thân

Như mình đã chia sẻ, mình đã từng bị “tiêu cực tấn công”. Sau một khoảng thời gian dày vò bản thân và suy nghĩ thấu đáo hơn. Mình đã học cách chấp nhận. Thay vì trách bản thân kém cỏi hay vô dụng, mình đã chấp nhận sự thật rằng mình đang cảm thấy kiệt sức. Bản thân mỗi chúng ta giống như một chiếc điện thoại vậy, khi hết pin rồi, chúng ta cần phải sạc đầy nó. Không phải bản thân mình vô dụng mà là nó đang ra dấu hiệu rằng, mình cần phải nghỉ ngơi và bồi dưỡng tâm hồn.

 

Điểm mấu chốt ở đây chính là chấp nhận và cho bản thân cơ hội “hồi sức”. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, mình đều tự nhủ rằng: “Mình đang làm quá sức rồi, mình cần phải điều chỉnh lại, cảm ơn bản thân vì đã cố gắng”. Thế là mình sạc pin cho bản thân bằng cách làm những điều mình thích như đi dạo, đọc sách hay nấu ăn. Khi tâm trạng tốt, làm việc gì cũng tốt. Vì vậy, bồi dưỡng tinh thần là điều vô cùng quan trọng.

  • Một người bạn đồng hành

Bạn đồng hành là yếu tố rất quan trọng trong quá trình ôn luyện thi tuyển sinh 10 của mình. Mình có một người bạn đã cùng vượt qua những khó khăn với mình trong thời gian đó. Khi mất động lực học tập, bạn đồng hành đã giúp mình nạp năng lương, lấy lại tinh thần. Trong quá trình ôn luyện không tránh khỏi những áp lực, người bạn đồng hành chính là nơi để mình chia sẻ và nhận lại những lời khuyên đáng giá. Có bạn đồng hành là một điều tuyệt vời đã giúp mình vượt qua những khó khăn trong quá trình ôn luyện.

 

Lời kết

Cuối cùng, sau bao ngày tháng ôn luyện khó khăn, mình đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh 10 và có được tấm vé vào ngôi trường mơ ước. Từ việc chăm chỉ học tập đến việc rèn luyện sự kiên nhẫn và sự đồng hành của mọi người xung quanh, mình nghĩ rằng mọi khó khăn đều có thể vượt qua nếu ta có đủ sự tận tụy và lòng dũng cảm. Điều quan trọng nhất mình đã học được từ hành trình này chính là sự kiên nhẫn và quyết tâm không bao giờ thất bại. Hãy tin tưởng vào khả năng của mình và hãy đối mặt với mọi khó khăn để đạt được mục tiêu của các bạn. Chỉ cần kiên trì, không có gì là không thể!

 

Call Now Button