Mặc dù rất muốn học tập chăm chỉ, đạt thành tích tốt, nhưng bạn lại không thể thoát khỏi chứng lười học? Dưới đây là bí quyết mình đã thực hiện để vượt qua hoàn toàn chứng lười học. Khám phá ngay!
Đôi khi bạn rất muốn ngồi vào bàn học tập thật nghiêm túc, chăm chỉ. Nhưng bạn lại liên tục trì hoãn và rồi thời gian cho việc học cứ thế ít dần. Bạn không thể thoát khỏi những cuộc vui dai dẵng trên smartphone. Bạn liên tục cảm thấy buồn ngủ khi ngồi vào bàn học. Đó chính là những triệu chứng của lười học. Dưới đây là những bí quyết mà mình đã thực hiện để vượt qua chứng lười học hiệu quả, giúp mình học tập năng suất 100%.
Mình có triệu chứng lười học như thế nào?
Mình là Loan, mình vừa bước vào năm 4 đại học. Trước đây, mình chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể ngồi trên bàn học hơn 4 tiếng mỗi ngày. Suốt khoảng thời gian cấp 2, cấp 3 của mình, chưa bao giờ mình học tập nghiêm túc. Đôi khi mình còn tự đặt câu hỏi: “Sao mình có thể học tới đại học được nhở?”. Thật sự mình đã từng rất lười.
Kể về những chuyện lười của mình, mình luôn tìm cách trì hoãn thời gian học bài bằng cách “chọn thời gian chẵn”. Mặc dù hôm đó mình đặt ra mục tiêu 8 giờ phải học bài, nhưng đến 8 giờ, mình lại thấy còn quá sớm. Thế là mình nhủ với bản thân: “Nằm một xíu nữa thôi, 8h15 mình sẽ học”. Nhưng mình lại lỡ xem một video dài đến 8h18 mới kết thúc. Thế là mình tự nhủ: “Vậy thôi, 8h30 học luôn cho chẵn”. Và cứ thế mỗi ngày, việc học của mình lại bị cắt xén đi 10-15-20-30 phút là chuyện bình thường.
Thứ hai, mình luôn cảm thấy buồn ngủ kinh khủng khi lên bàn học. Không hiểu sao mình có thể nằm dài trên giường cả ngày liền, đến tối khuya muốn ngủ lại chẳng thể vào giấc. Vậy mà vừa ngồi vào bàn 5 phút, mình lại ngáp ngắn, ngáp dài, 2 mắt cay xoè. Và mình cho rằng, bản thân mình không phù hợp với việc học. Hay viện cớ, hôm nay mình không có hứng học, nếu học cũng chẳng đâu vào đâu. Và rồi, mình lại tiếp tục lên giường nằm và bỏ qua mớ sách hỗn độn đang đợi mình trên bàn.
Thế đấy, mình nghĩ chắc hẳn cũng có nhiều bạn đã hoặc đang lười giống mình. Cũng dễ hiểu thôi, việc học làm sao vui bằng chơi được cơ chứ. Nhưng nếu không học thì hậu quả cũng vô cùng khủng khiếp. Thế nhưng cho đến khi lên đại học, mình mới bắt đầu từ từ thoát khỏi chứng lười học.
Cột mốc nào đã giúp mình vượt qua chứng lười học?
Đó là khi mình vào năm nhất đại học. Môn tiếng Anh là môn mình sợ nhất từ trước đến nay. Thế nhưng làm sao thoát khỏi nó được nữa đây. Ban đầu, mình trở nên hoàn toàn mù tịt ở các lớp tiếng Anh. Bởi vì lười học nên sức học của mình so với mọi người kém lắm. Mình không nghe được thầy cô nói gì. Mình không hiểu mọi người đang trao đổi về điều gì. Mình càng không thể trả lời được mỗi khi được giảng viên gọi lên.
Thế là từ đó, mình quyết tâm phải vượt qua chứng lười học ngay thôi. Nếu không thì 4 năm đại học của mình sẽ không còn yên ổn nữa. Chưa kể, nếu rớt môn phải tốn thêm một mớ tiền học lại. Mình cảm thấy lo lắng vô cùng. Thế là mình đã bắt đầu hành trình thoát khỏi chứng lười học từ giây phút này.
Mình đã làm gì để vượt qua chứng lười học?
- Có mục tiêu cụ thể
Mình là một người mà nếu không có mục tiêu, mình sẽ không thể làm bất cứ việc gì. Giống như khi còn nhỏ, nếu ba mẹ không hứa rằng lên lớp sẽ được đi du lịch, sẽ được thưởng cái này cái kia thì chắc giờ mình chưa lên tới đại học đâu. Nhưng mình nhận ra, mục tiêu là vô cùng quan trọng, nó là thứ kéo mình ra khỏi sự chây lười đã giữ chân mình suốt 12 năm học.
Mình đã lập ra mục tiêu vô cùng cụ thể và tất nhiên, mục tiêu phải được tự tay mình viết ra và dán ở nơi mình dễ thấy nhất. Đây sẽ là thứ kéo mình ra khỏi giường mỗi buổi sáng. Đây cũng sẽ là thứ giữ chân mình ở bàn học hàng giờ đồng hồ. Và tất nhiên, đây cũng sẽ là thứ tách mình ra khỏi “người bạn tri cốt smartphone”. Nói đến đây chắc hẳn các bạn đã biết mình đặt mục tiêu của mình ở vị trí nào rồi chứ?
Mục tiêu của mình phải thật cụ thể, cụ thể như thế này đây:
- Mình phải luyện nghe tiếng anh ít nhất 1 bài dài 10 phút mỗi ngày;
- Mình phải tập viết 1 bài tiếng Anh ngắn nhất 200 chữ mỗi ngày;
- Mình phải đọc 3 trang sách tiếng Anh mỗi ngày;
Lưu ý, bạn nên đặt mục tiêu ban đầu vừa sức với bản thân. Đừng đặt mục tiêu quá khó khăn hay tốn quá nhiều thời gian. Bởi mình sẽ dễ dàng rơi vào vòng lặp “luời biếng” nếu làm việc quá khả năng đó. Quan trọng của việc đặt ra mục tiêu đó là hình thành thói quen và duy trì chúng mỗi ngày.
- Tạo góc học tập lý tưởng
Mình là người yêu cái đẹp, cái gì đẹp sẽ thu hút mình và chắc hẳn rằng hiếm có ai yêu cái xấu đúng không nào? Chính vì vậy, mình đã áp dụng điều này trong quá trình thoát khỏi chứng lười học của mình. Đó chính là xây dựng góc học tập trong mơ. Mình cực kỳ thích xem những video học tập ở một bàn học gọn gàng, xinh đẹp lại có view nhìn ra sông núi các kiểu. Và mình đã bắt tay thực hiện góc học tập trong mơ đó.
Mình thường xuyên dọn dẹp gọn gàng sách vở, laptop, bút viết trên bàn. Mình luôn lau dọn sạch sẽ bàn học. Mình đầu tư cho bản thân một chiếc ghế thật êm để học một cách thoải mái nhất. Mình còn trang trí thêm ảnh, dán bảng mục tiêu, tạo hương thơm cho góc học tập của mình nữa. Và không thể nào thiếu những bài nhạc không lời giúp mình tập trung học hơn. Hay đôi khi mình sẽ mở những video có người đang học cùng mình cho có động lực.
Thật sự mà nói, cách này vô cùng hiệu quả. Mình cực kỳ thích ngồi học ở bàn học xinh đẹp của mình. Trong một không gian tuyệt vời và lý tưởng như thế, năng suất học tập của mình tăng lên đáng kể.
- Cho bản thân những khoảng thư giãn nhất định
Không phải lúc nào cũng học là tốt. Bản thân chúng ta rất cần sự nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng. Mình đôi khi rất nhiều năng lượng, học tập vô cùng năng suất. Nhưng đôi khi, mình lại cảm thấy tiêu cực, không có chút năng lượng, không muốn cố gắng tí nào. Và những lúc đó, mình nghĩ bản thân cần thời gian để nạp lại năng lượng.
Mình thường nạp năng lượng cho bản thân bằng cách:
- Tự thưởng cho bản thân một món đồ gì đó sau thời gian học tập chăm chỉ. Phần thưởng sẽ giúp mình cố gắng hơn và có nhiều động lực hơn.
- Thay đổi không gian học tập. Mặc dù có góc học tập lý tưởng là thế, nhưng đôi khi mình có thể cảm thấy ngột ngạt trong chính góc yêu thích của mình. Thế là mình quyết định thay đổi không gian bằng cách trang trí lại góc của mình. Mua thêm một bình hoa hay chậu cây xinh xắn. Hoặc cũng có thể ra quán cà phê học bài để thay đổi không khí.
- Tìm một bạn đồng hành. Đôi khi việc học một mình cũng khá nhàm chán. Thế nên mình thường tìm một người bạn có sở thích học giống mình để cùng ngồi học. Khi mệt có thể cùng nhau ăn bánh, uống trà sữa nạp năng lượng và tiếp tục học. Đây là một cách nạp năng lượng và giải phóng sự tiêu cực vô cùng hiệu quả.
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng, mặc dù thư giãn nhưng không được phá bỏ kỷ luật của bản thân. Bởi vì phá bỏ kỷ luật một lần sẽ khiến bản thân mình ỷ lại và có lần hai, lần ba nữa đó.
Kết
Chứng lười học thực ra không quá đáng sợ như chúng ta nghĩ. Điều quan trọng là bản thân mỗi chúng ta phải nhận ra và cố gắng vượt qua nó. Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn. Chúc các bạn thành công trong việc thoát khỏi chứng lười học và học tập thật năng suất nhé!