Mình đã đạt 9 điểm môn Văn kỳ thi tuyển sinh 10 như thế nào?

 

Bí quyết vượt qua môn Văn kỳ thi tuyển sinh 10 một cách thành công – khám phá ngay!

 

Bạn là học sinh lớp 9 đang lo lắng về môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới? Bạn sợ bị lạc đề ở phần nghị luận xã hội. Bạn cũng không tránh khỏi nỗi lo bí ý tưởng ở phần nghị luận văn học? Hơn ai hết, mình rất hiểu những khó khăn của bạn. Bài viết này sẽ giúp bạn vượt qua những trở ngại của môn Văn ở kỳ thi tuyển sinh 10. Hy vọng những kinh nghiệm cá nhân của mình sẽ giúp bạn đạt điểm cao môn Văn ở kỳ thi sắp tới!

 

Không “xem thường” phần đọc hiểu

Mình thường có thói quen đọc lướt để rút ngắn thời gian làm bài. Nhưng điều này dẫn đến việc bị thiếu sót thông tin trong lúc đọc. Từ khó khiến cho phần trả lời của mình không đầy đủ và không tròn điểm. Sở dĩ mình làm vậy là vì nghĩ phần đọc hiểu không quan trọng bằng hai phần còn lại. Tuy nhiên, sau đó mình nhận ra rằng, đây mới chính là phần dễ lấy điểm nhất. Mình chỉ cần đọc và trả lời đúng trọng tâm, ngắn gọn, rõ ràng đã có 3 điểm dễ dàng.

 

Vậy mình đã đạt tối đa điểm phần đọc hiểu như thế nào?

Trước khi bắt đầu làm bài, mình sẽ đọc câu hỏi trước. Làm vậy để mình biết phải đọc kĩ hơn ở những phần nào. Sau đó, mình sẽ bắt đầu đọc đoạn văn đề cho. Mình dùng bút chì để đánh dấu những từ khoá, những phần quan trọng liên quan đến yêu cầu của đề.

 

Sau khi đọc và đánh dấu những thành phần quan trọng, lúc này mình đã thu thập đủ thông tin để trả lời những câu hỏi. Mình thấy có nhiều bạn thường bị “tham” trong lúc viết câu trả lời. Nghĩa là các bạn cố gắng viết dài ra, trả lời quá nhiều nhưng không đúng trọng tâm dẫn đến việc bị mất điểm, trừ điểm. Nhận biết được điều này qua nhiều lần giải đề và được thầy cô nhận xét, mình luôn cố gắng trả lời ngắn gọn nhất, súc tích nhất và đi thẳng vào trọng tâm. Điều này giúp mình vừa đạt điểm tuyệt đối, vừa rút ngắn thời gian cho phần đọc hiểu. 

Viết đúng và đủ ở phần nghị luận xã hội

Bài nghị luận xã hội thường yêu cầu số chữ cần viết. Nhiều học sinh cho rằng viết dài hơn so với yêu cầu sẽ được điểm cao hơn. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Mình đã từng bị trừ điểm trong lúc luyện đề chỉ viết viết quá dài, dẫn đến bài viết lan man. Thế nên mình rút ra một điều là, không cần viết dài, chỉ cần viết đúng và đủ.

 

Vậy thế nào là viết đúng và đủ?

Mình thường lập dàn ý sơ lược trước khi viết bài. Nhiều bạn cho rằng việc lập dàn ý gây mất thời gian và không cần thiết. Nhưng đối với mình, dàn ý vô cùng quan trọng. Dàn ý sẽ giúp mình biết được cần viết những gì, tránh lỗi dài dòng và lan man. Dàn ý sẽ giúp mình tập trung hơn, tránh bị “tắt văn” ngay trong lúc viết.

 

Vậy làm sao để lập dàn ý nhanh, không gây mất thời gian?

Đầu tiên, các bạn cần phải đọc đề và xác định đề cần chúng ta làm gì. Mình thường lập một dàn ý sơ lược với những ý chính cần viết. Ví dụ đề thi của mình là “Tuổi trẻ có cần sống khác biệt”. Mình sẽ lập dàn ý như sau:

  • Mở bài: Giới thiệu về vấn đề sống khác biệt ở tuổi trẻ
  • Thân bài: 

Giải thích câu nói “Tuổi trẻ sống khác biệt” – nên hay không nên sống khác biệt

Bàn luận về lối sống khác biệt theo hướng tích cực:

  • Tuổi trẻ có quyền khao khát và thể hiện bản thân với lối sống khác biệt
  • Chúng ta chỉ sống một lần. Đừng để chúng ta phải hối hận về sự yếu đuối của mình
  • Sống khác biệt giúp các bạn trẻ hiểu bản thân và phát triển hơn

Phê phán những lối sống khác biệt theo hướng tiêu cực

  • Sống khác biệt để làm những việc trái với đạo đức, đạo nghĩa
  • Sống khác biệt khiến tuổi trẻ phớt lờ sự quan tâm và lời khuyên của những người xung quanh

(Đưa ra những dẫn chứng cụ thể hoặc liên hệ bản thân trong khi làm rõ những vấn đề)

  • Kết bài: Rút ra bài học và kết luận vấn đề

 

Trong quá trình viết bài, mỗi ý nên viết từ 1 đoạn đến 2 đoạn, tránh viết quá dài hay quá ngắn. Đồng thời, các bạn nên đưa ra những dẫn chứng phù hợp với những ý đang phân tích, tránh việc “tham” dẫn chứng dẫn đến lạc đề.

Không “học tủ” bài nghị luận văn học

Bài nghị luận văn học đối với mình lúc nào cũng áp lực nhất. Bởi mình cần phải học bài, phải nhớ nhiều thông tin về các bài văn học và nhân vật mới có thể làm được. Chính vì thế, mình và những người bạn từng có ý định “học tủ”. Nhưng điều này là hoàn toàn sai lầm. “Học tủ” càng khiến mình áp lực và thiếu tự tin hơn vì mình không nắm vững những bài còn lại. Chính vì thế, mình vẫn chọn cách ghi nhớ toàn bộ thông tin các bài văn học 

 

Để ghi nhớ dễ dàng hơn, mình không học theo từng bài mà học theo từng chủ đề. Các chủ đề chung của những bài văn học thường là người lính, người lao động, người phụ nữ, thiên nhiên, tình cảm gia đình,… Mỗi chủ đề mình sẽ nhóm những bài văn học vào để học cùng, so sánh sự giống và khác nhau theo sơ đồ tư duy. Điều này khiến mình nhớ lâu hơn mà còn liên hệ các bài văn học với nhau một cách dễ dàng. Cách học này giúp mình sáng tạo hơn, học một cách hào hứng hơn hẳn.

 

Lời kết

Như vậy, qua chặng đường dài ôn luyện, mình đã hoàn thành môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 với thành tích đáng tự hào. Tuy nhiên, hành trình ôn tập không chỉ dừng lại ở đây. Mình tin rằng việc chinh phục môn Văn trong tuyển sinh là nền tảng quan trọng để mình cố gắng ở những kỳ thi tiếp theo. Vì vậy, hãy không ngừng rèn luyện, đam mê và đặt mục tiêu cao hơn cho bản thân. Với sự kiên nhẫn và cố gắng, bất kỳ ai cũng có thể vượt qua khó khăn và đạt được thành quả mà mình mơ ước. Mình làm được và các bạn cũng sẽ làm được.

 

Call Now Button