Định hướng nghề nghiệp cho con: Nên làm gì nếu con không tiếp thu ý kiến của ba mẹ?
Làm thế nào để con tin tưởng và lắng nghe ý kiến của ba mẹ trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho con? Khám phá 5 điều nên làm khi con không tiếp thu ý kiến của ba mẹ trong bài viết sau!
Việc định hướng nghề nghiệp cho con là một thách thức lớn đối với nhiều bậc phụ huynh. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng có nhiều thay đổi, việc giúp con xác định đúng đam mê và hướng đi sự nghiệp phù hợp trở nên càng quan trọng. Tuy nhiên, không phải lúc nào con cũng tiếp thu ý kiến của ba mẹ. Sau đây là 5 điều ba mẹ nên làm để con tin tưởng và lắng nghe ý kiến của ba mẹ trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho con!
-
Lắng nghe ý kiến của con
Muốn con nghe lời ba mẹ, trước hết, ba mẹ cần lắng nghe ý kiến của con. Nhiều ba mẹ thường có suy nghĩ rằng con còn nhỏ nên ý kiến của con không quan trọng, ý kiến của ba mẹ mới đúng. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm và khiến con ngày càng xa cách với ba mẹ hơn. Đặc biệt là trong quá trình định hướng nghề nghiệp, ba mẹ nên lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Ba mẹ nên chấp nhận sở thích và đam mê của con. Nếu ba mẹ nhận thấy con không phù hợp với công việc đó, hãy nhẹ nhàng khuyên bảo, tuyệt đối không cấm đoán và áp đặt con.
-
Thảo luận nhẹ nhàng với con
Quá trình định hướng nghề nghiệp cho con thực chất là việc ba mẹ hợp tác cùng con để tìm ra hướng đi cho tương lai của con. Việc này không đơn giản chỉ là chọn nghề, càng không phải là việc ba mẹ áp đặt con phải làm nghề theo ý của ba mẹ. Mặc dù ba mẹ luôn muốn những điều tốt cho con, nhưng nếu ba mẹ có những hành động áp đặt và áp lực con sẽ khiến con không muốn nghe lời ba mẹ. Chính vì thế, ba mẹ chỉ nên đứng ở vai trò cố vấn và gợi ý cho con những công việc phù hợp với con. Đồng thời, hãy thể hiện sự tôn trọng khi con nói về ước mơ và đam mê của mình.
-
Chia sẻ kinh nghiệm cho con
Trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho con, khi muốn thuyết phục con làm công việc mà ba mẹ nghĩ là phù hợp với con, hãy chia sẽ nhẹ nhàng với con. Ba mẹ có thể nói dựa vào kinh nghiệm của mình, đồng thời giải thích lý do tại sao ba mẹ muốn con theo đuổi công việc đó. Ba mẹ nên đưa ra những ví dụ cụ thể và những phân tích rõ ràng thay vì áp đặt con phải nghe theo ba mẹ.
-
Cùng con trải nghiệm và thử sức
Khi con đã xác định được công việc phù hợp với mình và muốn theo đuổi nó, ba mẹ nên lên kế hoạch để cùng con tìm hiểu sâu về công việc đó hơn qua việc trải nghiệm và thử sức. Ba mẹ có thể đưa con đi tham quan nơi làm việc, học các lớp ngoại khoá hay khoá học liên quan. Điều này sẽ giúp con có trải nghiệm thực tế và cái nhìn rõ ràng hơn về công việc mà mình chọn. Từ đó, con sẽ xác định chắc chắn hơn về lựa chọn của mình trong quá trình định hướng nghề nghiệp tương lai.
-
Tìm hiểu về sở thích và năng lực của con
Không phải nghề nào con thích con cũng có thể làm được. Ngược lại, không phải nghề nào ba mẹ nghĩ là ổn thì con có thể làm tốt. Điều này còn dựa vào sở thích và năng lực của con có thực sự phù hợp với công việc đó hay không. Chính vì thế, ba mẹ nên tìm hiểu sở thích và năng lực của con trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho con.
Ba mẹ hãy quan sát những sở thích của con để biết con có những điểm mạnh nào và tiềm năng nào trong công việc tương lai. Ba mẹ nên tìm cơ hội để trò chuyện và chia sẻ với con. Việc này sẽ giúp ba mẹ dễ dàng hiểu con hơn và con cũng có thời gian khám phá bản thân nhiều hơn. Ba mẹ hãy thường xuyên nói với con về tầm quan trọng của định hướng nghề nghiệp để con có ý thức về điều này. Khi ba mẹ phát hiện tiềm năng của con và năng lực của con, hãy gợi ý cho con và nói với con phát hiện của mình. Việc tâm sự và chia sẻ thường xuyên sẽ giúp ba mẹ và con tìm ra hướng đi đúng đắn trong sự nghiệp tương lai.
Kết luận
Tóm lại, quá trình định hướng nghề nghiệp là quá trình dài và cần sự kiên nhẫn của ba mẹ. Tuy nhiên, khi con ở độ tuổi đang lớn, con có thể sẽ có những bất đồng quan điểm với ba mẹ. Nếu ba mẹ có những hành động không đúng sẽ khiến con xa cách với ba mẹ. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tương lai sự nghiệp và sự phát triển của con. Chính vì vậy, hãy thực hiện 5 điều trên khi con có dấu hiệu không tiếp thu ý kiến của ba mẹ trong quá trình định hướng nghề nghiệp. eTeacher.vn chúc ba mẹ thành công!