CON GẶP PHẢI KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3 – BA MẸ NÊN LÀM GÌ?

Có nhiều mẹ chia sẻ rằng: khi con lên 3 tuổi, con giống như trở thành một em bé khác. Con khóc lóc, la hét, lúc nào cũng muốn mọi thứ phải được làm theo ý mình, tần suất ăn vạ nhiều hơn so với trước. Đó chính là thời điểm con bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3. 

KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3 LÀ GÌ?

Đây là giai đoạn con gặp khủng hoảng từ 3 tuổi đến hơn 4 tuổi, trong nhiều trường hợp, con có thể gặp khủng hoảng sớm hơn khi mới hơn 2 tuổi. Con có những biểu hiện tâm lý biến đổi rõ rệt trong hành động, con trở lên lém lỉnh hơn và tò mò về mọi thứ xung quanh mình. Bên cạnh đó, con cũng trở nên không nghe lời, thích chống đối, thường xuyên la hét, khóc lóc, ăn vạ, làm trái ý người lớn, hay đòi hỏi và có những hành vi vượt ngoài kiểm soát của ba mẹ. 

Ngoài những biểu hiện về tâm lý, con cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất trong khủng hoảng tuổi lên 3 như: ngủ không ngon giấc, biếng ăn, đầy bụng, tiêu chảy, khó tiêu,… làm tính cách con trở nên khó chịu hơn.

Đứng trước tình cảnh này, nhiều ba mẹ sẽ lựa chọn mặc kệ, phạt con, hoặc đáp ứng. Theo các chuyên gia tâm lý, khủng hoảng tuổi lên 3 là một giai đoạn phát triển bình thường, vậy đâu là giải pháp phù hợp giúp cho các bậc phụ huynh giúp con phát triển độc lập?

5 PHƯƠNG PHÁP – GIÚP BA MẸ GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG LÊN 3 Ở TRẺ

Khi thấy con với những hành vi khái quá, ba mẹ không nên quy chụp cho là con hư, và không nên quát mắng hay đánh con, bởi điều đó chỉ làm cho con thêm căng thẳng. Con có thể sợ lúc đó mà im lặng, nhưng sẽ chất chứa uẩn ức trong lòng và có lúc bộc phát trở nên hung dữ hơn. Để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, ba mẹ có thể tham khảo 5 phương pháp giải quyết dưới đây.

  1. Giữ bình tĩnh trong mọi tình huống 

Khủng hoảng tuổi lên 3 ở trẻ như một cuộc thi giữa con và ba mẹ. Ba mẹ càng la lớn, con sẽ càng khóc to hơn, dẫn đến mọi chuyện tệ hơn. Đối với em bé giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, ba mẹ cần chú ý không nên quá lo lắng, phải thật bình tĩnh để xử lý những tình huống có thể xảy ra với con. 

Dù có khủng hoảng ra sao đi nữa thì con cũng chỉ là một em bé đang lớn. Bản thân con cũng không muốn làm cho ba mẹ tức giận hay khó xử, mà chính con cũng đang cảm thấy hoang mang trong chính sự phát triển của con. Chúng ta không thể kỳ vọng con – một em bé 3 tuổi có thể hiểu chuyện hay cử xử như người lớn. 

Trong trường hợp con ăn vạ, nếu la đánh con, bước đầu có thể con sẽ sợ, nhưng càng về sau, con sẽ trở nên bướng bỉnh, lì lợm. Khi con la hét, bản thân con cũng đang gặp một vấn đề về cảm xúc, con rất cần người lớn hướng dẫn vượt qua những cảm xúc khó khăn đó và giúp con có những hành vi phù hợp hơn. 

Ba mẹ cần bình tĩnh để xem xét nguyên nhân con ăn vạ là gì, tìm hiểu về những nhu cầu tuổi lên 3. Sau đó, kiên nhẫn hướng dẫn con. Đây cũng là cơ hội để ba mẹ giúp con hiểu về cảm xúc mà con đang trải qua, và hướng dẫn con có hành vi đúng sau đó, nâng cao trí tuệ cảm xúc, và đồng hành cùng quá trình lớn lên của con. 

  1. Nhắc con nói ra điều con mong muốn

3 tuổi con có thể sử dụng ngôn ngữ tốt hơn để diễn tả mong muốn của con. Vì vậy, khi con gặp vấn đề, ba mẹ nên hướng dẫn con nói ra điều gì làm con khóc, điều mà con mong muốn. 

Ví dụ trong trường hợp thường gặp, khi con đang ăn cơm, mà không muốn ăn nữa. Với khủng hoảng tuổi lên 3, con sẽ la lên um sùm. Ba mẹ nên nhẹ nhàng chỉ dạy con rằng: Nếu con không muốn ăn nữa, thì con hãy nói “Mẹ ơi, con no rồi, thì mẹ sẽ không cho con ăn tiếp nữa, con nói lại với mẹ nha”. Và giải thích với con rằng chỉ cần con nói nhẹ nhàng, ba mẹ sẽ hiểu và tôn trọng ý kiến của con. Khi lặp lại như vậy, con sẽ hiểu và bắt đầu áp dụng. 

  1. Tích cực khen ngợi khi con hợp tác

Nhiều ba mẹ cho rằng, khi con nghe lời hay hợp tác, là một điều hiển nhiên. Nhưng khi con mắc lỗi, chúng ta hay chăm chăm vào hành vi của con để la mắng. Trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, bé thường mong muốn được chứng minh bản thân nhiều hơn. Ba mẹ nên tập trung vào những điều tốt để khen ngợi, khích lệ con, giúp con cảm thấy vui vẻ, tự hào hơn. Từ đó, con sẽ muốn được khen nhiều hơn và hợp tác trong những lần sau. Điều này cũng giúp đáp ứng nhu cầu chứng tỏ bản thân của con theo hướng tích cực, thay vì khóc lóc hay làm trái lời ba mẹ. 

  1. Cho con cảm giác ở trong thế được tự quyết định và chủ động

Con lên 3 trong giai đoạn khủng hoảng thường muốn được chủ động trong quyết định của con. Thay vì yêu cầu, ra lệnh con phải làm gì đó, ba mẹ nên đưa ra cho con những phương án để con lựa chọn. Nếu con đưa ra yêu cầu phù hợp thì mình cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ cho bé. Ví dụ, nếu con muốn vẽ, hay làm bánh, mình tạo điều hiện cho bé thực hiện, để dần dần bé phát triển những kỹ năng. 

Với trẻ lên 3, đầu tiên, có thể tạo điều kiện để con phát triển tính tự lập, bắt đầu từ những việc nhỏ như chải răng, rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân.Ngoài ra, ba mẹ nên nâng cao những khả năng cần thiết mà sẵn có ở con. Khi con có mong muốn làm bác sĩ, cô giáo, người bán hàng… mình tạo điều kiện cho bé bằng những đồ chơi, và chơi chung với bé. Đây cũng là bước đầu để bé tập dần với môi trường xung quanh bên ngoài. Cho bé học vẽ, học đàn, hay những môn thể thao mà các bé yêu thích… để kéo bé ra khỏi những suy nghĩ, hành vi, ứng xử tiêu cực của khủng hoảng tuổi lên 3. 

  1. Dành thời gian chất lượng và kết nối sâu với con mỗi ngày

Để thu hút sự chú ý, quan tâm từ ba mẹ, trẻ trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 sẽ làm mọi cách gây rối loạn ba mẹ. Ba mẹ hãy tạm dừng công việc để hỏi xem con mong muốn điều gì. Ba mẹ nên dành thời gian để đồng hành cùng con giống như một người bạn. Ví dụ, ba mẹ có thể dành cuối tuần để đưa con đi chơi công viên, nơi có những bạn bè cùng tuổi, để con có sự giao tiếp, nâng cao kỹ năng xã hội và giúp con cảm thấy thoải mái hơn. 

TRẺ KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3 – CÓ CẦN GẶP BÁC SĨ?

Khủng hoảng tuổi lên 3 là giai đoạn bình thường trong tiến trình phát triển tâm sinh lý ở trẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp ba mẹ cảm thấy khó khăn, không thể kiểm soát được hành vi của con hay không xác định được lý do con bị khủng hoảng. Ba mẹ có thể tìm gặp bác sĩ tư vấn để có hướng giải quyết phù hợp và tránh cảm thấy quá áp lực khi con bước vào giai đoạn khủng hoảng.

Trẻ lên 3 thay đổi biểu hiện tâm lý rất nhiều – chắc chắn gây ra nhiều vấn đề khiến ba mẹ lo lắng, mệt mỏi. Đây cũng là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của một đứa trẻ. Thay vì áp đặt, la mắng, ba mẹ nên áp dụng những phương pháp thích hợp để giải quyết khủng hoảng tuổi lên 3 ở trẻ. 

Hy vọng qua bài viết, eTeacher đã cung cấp thêm cho ba mẹ những thông tin hữu ích về khủng hoảng tuổi lên 3, để ba mẹ đồng hành tốt hơn cùng con trong hành trình phát triển. 

Theo dõi các bài viết khác tại eteacher.vn để hiểu thêm về việc học và cả tâm lý của con, ba mẹ nhé!

Call Now Button