Bạn có đang thực sự giỏi toán hay chỉ là đang “giỏi giải toán”?
Trong suốt quá trình học tập của mình tôi luôn tự hỏi: “Liệu mình có thực sự giỏi toán hay chỉ đơn giản là biết cách giải các bài toán?”. Đó là một câu hỏi khó trả lời, đặc biệt là khi tôi gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề toán học phức tạp mới. Để trả lời cho câu hỏi này, tôi cần hiểu rõ sự khác biệt quan trọng giữa việc thực sự giỏi toán và chỉ biết giải toán một cách cơ bản. Và tôi nghĩ cũng có rất nhiều bạn như tôi. Bởi vì học sinh sẽ phải làm đi làm lại các dạng bài tập tương tự, làm đến nỗi “thuộc” luôn cả cách làm, nhưng thầy cô lại rất ít đào sâu lý thuyết hay giải thích cặn kẽ về phương pháp làm và ứng dụng của phương pháp toán đó, dẫn đến nhiều bạn học sinh – sinh viên đang không có nền tảng toán học vững chắc.
Theo tôi, thực trạng giáo dục hiện nay thì đa số học sinh không giỏi Toán mà là “giỏi giải Toán”. Cách dạy toán hiện nay theo tôi là dạy các dạng bài rồi luyện cho học sinh mà rất ít đào sâu vào ý nghĩa thực sự cũng như lý thuyết hay ứng dụng thực tế, dẫn đến học sinh không hiểu sâu sắc mục đích của việc học toán. Việc dạy và học môn Toán cũng như các môn khoa học tự nhiên khác theo cách đọc, chép, ghi lại cách làm… mà quên đi mảng ứng dụng thực tiễn thật sự đang là một vấn đề đáng “báo động”. Vì người học không thực sự hiểu rõ bản chất của những phương pháp làm bài đó và chỉ đang làm bài theo cách “học vẹt”. Vấn đề này ngày càng trở nên rõ ràng trong hệ thống giáo dục hiện nay khi nhiều học sinh thể hiện khả năng giải quyết bài toán tốt, nhưng hiểu biết sâu rộng về toán học và khả năng áp dụng trong các tình huống thực tế thường bị hạn chế. Điều này này đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của kiến thức toán học cũng như khả năng tư duy logic của học sinh. Tôi cho rằng, một phần của thực trạng này có thể được lý giải bằng việc chú trọng vào việc “điểm số” trong hệ thống giáo dục hiện nay. Học sinh thường được đánh giá dựa trên khả năng giải bài toán trong thời gian giới hạn và thường không có đủ thời gian để thấu hiểu sâu về cách các phương pháp toán học vận hành. Học sinh thường chỉ học cách giải từng dạng bài cụ thể mà không hiểu rõ tại sao phải làm như vậy hay áp dụng toán học vào những vấn đề thực tế thế nào. Thêm vào đó, áp lực từ việc “tranh giành” được điểm số cao trong các bài thi cũng góp phần vào việc học sinh tập trung nhiều vào cách giải toán một cách “máy móc” hơn là hiểu rõ bản chất. Ngoài ra, thực trạng này cũng bắt nguồn từ cách giảng dạy toán học của thầy cô. Thay vì tập trung vào việc phát triển tư duy logic và khả năng sáng tạo, một số thầy cô vẫn tập trung quá nhiều vào việc cho học sinh học thuộc công thức và quy tắc mà thiếu sự liên kết giữa các khái niệm. Điều này dẫn đến việc học sinh học cách giải từng bài toán một cách cứng nhắc mà không hiểu rõ tại sao mình lại thực hiện như vậy. vấn đề này ảnh hưởng lớn đến khả năng áp dụng toán học vào cuộc sống hàng ngày. Học sinh có thể giải được bài toán trên giấy, nhưng gặp khó khăn khi phải áp dụng kiến thức toán học vào việc giải quyết các vấn đề thực tế thì khả năng tư duy logic và sự sáng tạo bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng và giải quyết các vấn đề mới. Thành công trong việc giải toán thường được đánh giá dựa trên số điểm, nhưng liệu điều này có đồng nghĩa với việc thực sự giỏi toán? Để tìm hiểu câu trả lời, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về bản chất của việc giải toán. Tôi nhận thấy, việc giải toán là việc áp dụng các kiến thức và kỹ năng đã học để tìm ra lời giải cho một bài toán cụ thể. Đúng vậy, đôi khi chỉ cần một bước tính toán đơn giản hoặc việc áp dụng một công thức mà không cần hiểu rõ tại sao lại thực hiện như vậy cũng được coi là “giỏi Toán.
Chính vì thế, tôi cho rằng thực trạng này đang đặt ra một thách thức lớn đối với hệ thống giáo dục hiện nay. Cần có sự thay đổi trong cách dạy và học, tập trung vào việc phát triển khả năng hiểu rõ sâu rộng về lý thuyết toán học và khả năng áp dụng vào các tình huống thực tế. Điều này không chỉ giúp học sinh đạt được kết quả tốt hơn trong việc giải các bài toán, mà còn giúp họ phát triển khả năng tư duy logic, sáng tạo và khả năng thích ứng trong cuộc sống. Với tôi, việc thực sự giỏi toán đó là khả năng hiểu rõ tại sao mình lại thực hiện các bước cụ thể đó, các cách làm đó hay những phương pháp đó được xây dựng dựa trên những nguyên tắc và logic toán học như thế nào. Việc này đòi hỏi sự tư duy sâu sắc hơn, khả năng suy luận và kỹ năng phân tích vấn đề. Đôi khi, việc hiểu rõ nguyên lý hoạt động của một công thức có thể quan trọng hơn việc biết cách dùng nó. Ngoài ra, việc thực sự giỏi toán đòi hỏi khả năng áp dụng kiến thức vào những vấn đề mới, không giống những gì đã từng học. Đây là bước thử thách trí não và kiểm tra khả năng sáng tạo của chúng ta. Không chỉ biết cách áp dụng công thức đã học, mà còn phải biết cách tìm hiểu và nắm bắt bản chất của vấn đề mới để xây dựng cách giải quyết thích hợp. Để thực sự giỏi toán, việc thể hiện sự tự tin và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề là không thể thiếu. Thay vì chỉ dựa vào cách giải mẫu hoặc những phương pháp đã học, tôi bắt đầu tìm cách tiếp cận vấn đề một cách độc đáo. Điều này đòi hỏi tôi phải áp dụng kiến thức theo cách riêng, phối hợp các phương pháp khác nhau để tạo ra lời giải tốt nhất. Bên cạnh đó, toán học là một lĩnh vực liên tục phát triển, với những khám phá mới và những thách thức mới xuất hiện không ngừng. Vì thế để duy trì sự giỏi toán, chúng ta cần luôn cập nhật kiến thức và học hỏi từ nhiều nguồn thông tin tốt. Việc này không chỉ giúp chúng ta nắm vững những tiến bộ mới, mà còn giúp mở ra những cơ hội mới để thể hiện khả năng toán học của mình.
Vậy, có đúng rằng việc thực sự giỏi toán chỉ đơn giản là biết cách giải toán? Từ những suy nghĩ và trải nghiệm của mình, tôi tin rằng việc thực sự giỏi toán bao gồm sự hiểu đủ sâu rộng về lý thuyết toán học, khả năng tư duy logic, sự sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề và sự không ngừng học hỏi. Hãy luôn tự hỏi mình: “Tôi có thực sự giỏi toán, hay chỉ là tôi biết cách giải toán?” Điều này sẽ giúp chúng ta duy trì sự yêu thích và trân trọng đối với môn học này, đồng thời khám phá và phát triển tiềm năng toán học của chính bản thân mình.
Tôi luôn dành nhiều thời gian tìm hiểu sâu hơn về cách giải quyết các bài toán để trau dồi kiến thức và phát triển bản thân.. Tôi nhận ra rằng giải toán chỉ là một phần nhỏ của việc thể hiện sự giỏi toán. Việc giải toán chỉ đòi hỏi sự linh hoạt trong việc áp dụng các phương pháp đã học để tìm ra lời giải nhưng việc giỏi toán không chỉ thể hiện ở việc bạn giải bài toán đó một cách thuần thục và nhanh bao nhiêu mà còn thể hiện ở cách bạn tư duy và nhìn nhận vấn đề trong bài toán đó. Liệu bài toán bạn vừa mới giải thì có những ứng dụng thực tế trong cuộc sống như thế nào? Ứng dụng của Toán thực sự vô cùng đa dạng và chúng ta thực sự có thể tiếp xúc toán ở trong mọi mặt cũng như mọi lúc trong cuộc sống này. Không những là những ứng dụng tuyệt vời trong đời sống mà toán học còn là một người bạn thân của tất cả ngành khoa học khác bởi toán học có ứng dụng nhiều trong kỹ thuật vi tính, trong ngành công nghệ thông tin, trong kinh tế, trong nghiên cứu học thuật, trong văn hóa hay cả trong lĩnh vực nghệ thuật.
Và đó là tất cả những chia sẻ và suy nghĩ của tôi về việc giáo dục toán học của ngành giáo dục hiện nay. Tôi nghĩ bản thân các bạn học sinh cần nhìn nhận lại cách học toán của mình cũng như ngành giáo dục cần nên tạo nhiều bài học về ứng dụng hay phân tích kĩ hơn và rõ hơn về tầm quan trọng của các công thức toán và giúp học sinh hiểu rõ về các vấn đề toán đó. Và tôi mong rằng mọi người đã có một cái nhìn cụ thể hơn và yêu thích hơn về môn học này bởi tính ứng dụng cực kỳ cao của nó trong cuộc sống cũng như trong nhiều ngành nghề hiện nay.