CON THI TRƯỢT TUYỂN SINH VÀO 10, BA MẸ CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CON?
Đối với các em học sinh, áp lực trước kỳ thi tuyển sinh vào 10 rất lớn, đặc biệt trong năm 2024 số lượng thí sinh dự tuyển rất nhiều. Đây là giai đoạn khó khăn trong tuổi trẻ của các em, với những hồi hộp, lo lắng, hoang mang sợ hãi. Nếu ba mẹ kỳ vọng quá mức vào con, hay đồng hành cùng con không đúng cách, có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý của con khi con thi trượt tuyển sinh vào 10.
Một bạn học sinh bên eTeacher chia sẻ rằng “Em cảm thấy rất thấp thỏm trước kì thi, em sợ kết quả thi không như kỳ vọng của ba mẹ. Mẹ em nói rằng, dành bao nhiêu tiền để cho em học ở trường, rồi học thêm nên phải được điểm cao trong kỳ thi.”
Rất nhiều ba mẹ trách móc, thậm chí chửi rủa con mình, coi con là kém cỏi khi kết quả con không đạt như mong muốn của ba mẹ. Điều này tạo ảnh hưởng lớn đến tâm lý con trẻ. Khi thi trượt, không chỉ ba mẹ, mà con cũng cảm thấy rất buồn và hụt hẫng. Vậy ba mẹ cần làm gì để động viên con lấy lại tinh thần khi kết quả thi không như mong muốn? eTeacher sẽ đưa ra “Những điều mà phụ huynh nên làm khi con thi trượt tuyển sinh vào 10” qua bài viết dưới đây.
- Không chê trách, đổ lỗi, so sánh khi con thi trượt
- Không chê trách, đổ lỗi khi con thi trượt
Sau khi biết con thi trượt trong kỳ thi tuyển sinh 10, nhiều trường hợp ba mẹ đã tỏ ra thất vọng, chê trách trực tiếp con mình. Một số ba mẹ còn sử dụng bạo lực để trút giận lên con.
Thực sự con cũng đã cố gắng hết sức, và hơn ai hết con cũng không muốn mình thi trượt. Nếu ba mẹ chỉ nghĩ cho cảm xúc của riêng mình, đổ lỗi hoàn toàn lên con, sẽ chỉ khiến con cảm thấy xấu hổ và tự ti hơn. Từ đó, có thể dẫn đến những hậu quả tâm lý nghiêm trọng ở trẻ: bị trầm cảm, tự kỷ…
Đặc biệt, với những trường hợp đánh đập không chỉ tạo ra những vết thương về thể chất và tinh thần, mà còn tạo ra nhận thức lệch lạc ở trẻ rằng: hoàn toàn là bình thường khi sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, khi mà khả năng nhận thức và hiểu rõ vấn đề của con chưa hoàn toàn phát triển.
- Không so sánh con với bạn bè khi con thi trượt
“So sánh với con nhà người ta’ là hiện tượng phổ biến với nhiều gia đình Việt Nam. Ba mẹ thường hay so sánh con với bạn bè cùng lớp, tại sao học cùng thầy cô mà bạn thi đậu, điểm cao hơn, còn con mình thi trượt vào 10. Việc so sánh gây tác động lớn tới lòng tự trọng của con trẻ, khiến con cảm thấy bị coi thường, và tự cho rằng mình không bằng bạn bè, và con cũng trở nên thờ ơ, xa cách ba mẹ hơn.
Ba mẹ nên biết rằng mỗi người đều có năng khiếu và tiềm năng phát triển khác nhau. Có thể con thi trượt vào 10, nhưng con có sở thích và tài năng trong lĩnh vực khác. Phụ huynh nên dành thời gian khám phá cùng con thay vì so sánh với bạn bè đồng trang lứa.
Với những phản ứng nóng nảy không thể thay đổi kết quả thi của con, mà còn làm tăng thêm cảm giác tội lỗi, hoang mang, tiêu cực cho con khi con thi trượt vào 10.
- Động viên, an ủi khi con thi trượt
Ba mẹ là người thân thiết nhất với con, là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của con. Vì vậy, khi con đang buồn bã, hoang mang, không biết làm gì trước kết quả thi trượt tuyển sinh vào 10, ba mẹ nên an ủi, động viên con để con tránh suy nghĩ tiêu cực. Dù tiếc nuối nhưng kết quả thi cũng không thể thay đổi, tâm trạng của các con nên là vấn đề được ba mẹ quan tâm hơn. Trong lúc này, chỉ cần lời động viên cũng giúp tâm trạng con tốt hơn rất nhiều.
Khi thi trượt, con có thể sẽ cảm thấy mình là người thất bại, và ba mẹ sẽ bớt yêu mình hơn. Vậy ba mẹ cần nói gì để con thoát khỏi hố đen đó, và con hiểu rằng đây chỉ là một thử thách trong chặng đường trưởng thành. Dưới đây, eTeacher gợi ý một số câu mà ba mẹ có thể trò chuyện với con khi con thi trượt vào 10.
- Bất kì điều gì xảy ra, ba mẹ luôn yêu và tin tưởng con. Không thi đậu có thể là dấu hiệu để con biết mình cần chuyển hướng phù hợp hơn. Dù con học trường nào, con luôn thành công trong lòng ba mẹ.
- Ba mẹ hiểu con sẽ cảm thấy thất vọng khi không vào ngôi trường mà con mong muốn, nhưng thất bại sẽ giúp con mạnh mẽ hơn trong chặng đường phía trước. Dù bất cứ nơi đâu, con vẫn có thể tỏa sáng. Dù học trường nào, ba mẹ tin con vẫn có thể phát triển và học tập tốt.
- Con không cần thiết phải theo học ở nơi mà tất cả mọi người đều muốn theo học. Ngôi trường mà con học không phản ánh con sẽ trở thành người như thế nào sau này. Ba năm học cũng chỉ là một phần nhỏ thời gian trong cuộc đời. Quan trọng là bản thân con không từ bỏ, vẫn luôn cố gắng để ngày một trưởng thành và tốt hơn.
- Cùng con tìm ra nguyên nhân thi trượt
Mỗi sự việc không thành đều để lại những bài học, quan trọng là ba mẹ dành thời gian cùng con xem nguyên nhân vì sao không đạt, giúp con tìm ra những vấn đề thiếu sót và đưa ra biện pháp khắc phục.
Việc xác định nguyên nhân thi trượt tuyển sinh vào 10 cũng rẩt quan trọng. Khi tinh thần con ổn định hơn, ba mẹ ngồi lại phân tích lý do. Một trong số đó có thể là do con bị
- hổng kiến thức
- sai phương pháp học tập
- không đọc kỹ đề thi
- không biết cách quản lý thời gian làm bài
- tâm trạng quá lo lắng, áp lực trước kỳ thi….
- Gợi ý các hướng đi mới cho con
Trường THPT công lập không phải là con đường duy nhất của con. Khi con thi trượt vào 10, ba mẹ cần tìm hiểu các thông tin về những lựa chọn thay thế, để cùng con đưa ra định hướng phù hợp. Ba mẹ có thể tham khảo thêm những trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề sơ cấp.
Ngoài việc lựa chọn theo học một trường khác ngoài hệ công lập, ba mẹ có thể định hướng cho con thi lại vào năm sau. Tuy nhiên, với hướng đi này, phụ huynh cần đồng hành sát sao cùng con, giúp con tìm ra phương pháp ôn tập hiệu quả để tránh lãng phí thời gian một năm.
Ba mẹ có thể tham khảo các hướng đi mới cho con thông qua bài viết 5 HƯỚNG ĐI CHO CON KHI THI RỚT TUYỂN SINH LỚP 10 của eTeacher.
Hiện nay, có nhiều trung tâm ôn luyện, ba mẹ có thể tìm trung tâm đào tạo uy tín để gửi gắm các con, giúp con được ôn luyện tốt nhất trong kỳ thi tới. eTeacher là nơi quy tụ Cộng đồng Gia sư tài năng, được tuyển chọn từ các trường Đại học hàng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, và qua quá trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Ba mẹ có thể đăng ký nhận tư vấn gia sư cho con tại đây.
Qua những chia sẻ trong bài viết trên, eTeacher mong rằng góp thêm kiến thức để ba mẹ tự tin trong hành trình đồng hành với con đường trưởng thành của con, và biết “nên làm gì khi con thi trượt tuyển sinh vào 10’. Các con luôn cần ba mẹ ở bên thấu hiểu, cảm thông, dẫn dắt. Vì vậy, mong rằng phụ huynh sẽ chia sẻ và đồng hành cùng con, nhất là trong giai đoạn khó khăn khi đối đầu với kết quả thi trượt. Chúc ba mẹ và các con đưa ra lựa chọn đúng đắn, và thành công trên chặng đường tương lai sắp tới.