Khám phá ngay 5 mẹo tâm lý độc đáo được tổng hợp từ lời khuyên của các chuyên gia để giúp con ngoan ngoãn, nghe lời ba mẹ. Đọc ngay để xây dựng gia đình hạnh phúc!
Ba mẹ luôn muốn con ngoan ngoãn, nghe lời, nhưng không phải lúc nào con cũng thế. Trẻ em là tờ giấy trắng, con sẽ không hiểu hết những hành động mình làm là đúng hay sai. Chính vì vậy, để một đứa trẻ nghe lời là một nỗ lực lớn của ba mẹ. Dưới đây là 5 mẹo tâm lý độc đáo được tổng hợp từ lời khuyên của các chuyên gia giúp con ngoan ngoãn, nghe lời ba mẹ. Hãy cùng eTeacher.vn tìm hiểu ngay để có phương pháp dạy con hiệu quả!
- Xây dựng nguyên tắc chung cho cả gia đình
Muốn con nghe lời, ba mẹ nên xây dựng những nguyên tắc nhất định cho gia đình. Và đương nhiên, ba mẹ cũng không được vi phạm những nguyên tắc đó. Bởi trẻ con sẽ nhìn vào những hành động của người lớn để làm theo. Vì vậy, ba mẹ phải là tấm gương tốt nhất của con.
Một vài nguyên tắc ba mẹ có thể xây dựng cho con ngay từ nhỏ như là:
Về hành vi:
- Gấp chăn gọn gàng vào mỗi buổi sáng.
- Không để giày dép lung tung.
- Chơi xong phải biết dọn dẹp đồ chơi.
- Bàn học phải luôn ngăn nắp.
- Ngồi xong phải biết kéo ghế lại ngay ngắn.
Về thái độ:
- Phải biết lễ phép với người lớn.
- Phải biết nhường nhịn người nhỏ hơn.
- Phải biết giúp đỡ người già.
- Trả lời phải có “Dạ”, “Vâng”.
- Không phân biệt giàu nghèo hay sang hèn.
Ba mẹ không nên nghĩ rằng con còn nhỏ không biết gì, thật ra con vẫn quan sát hành động của ba mẹ mỗi ngày để học theo. Chính vì thế, muốn con có những đức tính tốt, hành động tốt, ba mẹ phải là tấm gương tốt cho con.
- Xây dựng môi trường gia đình tích cực
Con sẽ không thể nào ngoan ngoãn, nghe lời nếu như sống trong một môi trường tiêu cực. Ba mẹ không nên cho con chứng kiến những cảnh cãi nhau, bất hoà của mình. Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý của trẻ nhỏ. Nghiêm trọng hơn, đây có thể sẽ là nỗi ám ảnh trong tâm lý của con. Con sẽ cảm thấy không hạnh phúc, và từ đó, con sẽ khó có thể tiếp nhận sự chỉ dạy từ ba mẹ.
- Thường xuyên trò chuyện cùng con
Việc trò chuyện cùng con mỗi ngày sẽ giúp ba mẹ gắn kết với con hơn, con sẽ dễ dàng nghe lời ba mẹ hơn. Mỗi ngày, ba mẹ nên dành ít nhất 30 phút để chơi đùa hay nói chuyện với con. Ba mẹ có thể tham gia vào những trò chơi của con, cùng con giải một câu đố, hay kể con nghe một câu chuyện. Trong quá trình đó, ba mẹ hãy cố gắng lồng ghép những lời dạy con trong đó. Việc này sẽ giúp con dễ dàng tiếp thu lời dạy của ba mẹ hơn. Đây là một cách hữu hiệu để giúp con trở nên ngoãn ngoãn, nghe lời ba mẹ.
- Hãy lắng nghe con
Ba mẹ thường hay cho mình là đúng, những hành động sai của con đều không chấp nhận được. Tuy nhiên, việc ba mẹ thường xuyên trách mắng, phản đối con sẽ khiến con xa cách với ba mẹ hơn. Để con ngoãn ngoan, nghe lời, biết sửa chữa những hành động sai của mình, ba mẹ nên tập cách lắng nghe con.
Cách để lắng nghe con vô cùng đơn giản. Ba mẹ nên kìm chế cơn giận của mình mỗi khi con làm sai. Thay vào đó, hãy cho con cơ hội được giải thích. Ba mẹ có thể xem xét lời giải thích đó là thích đáng hay không. Từ đó, ba mẹ hãy cho con những lời khuyên, sự chỉ dạy để con rút kinh nghiệm cho lần sau.
Hãy hạn chế việc phạt con, điều này sẽ khiến con sợ sai, thậm chí là hành vi giấu diếm nếu con sai vào lần tới. Việc lắng nghe và cho con giải thích, nói lên ý kiến của con sẽ giúp con trở nên mạnh dạn, tự tin hơn, không vì sợ ba mẹ mà trốn tránh sai lầm của mình. Đồng thời, việc ba mẹ điềm tĩnh, chịu lắng nghe con sẽ giúp con tin tưởng ba mẹ hơn và con sẽ trở nên ngoãn ngoan, nghe lời hơn.
- Hãy cho con cơ hội đánh giá hành vi của mình
Khi con có một mong cầu nào đó mà ba mẹ không thể thực hiện được, con sẽ dễ dàng cáu bẩn hay khóc lóc. Nhiều ba mẹ thường quát mắng con, thậm chí là đánh con trong trường hợp này. Tuy nhiên, đây là một hành động hoàn toàn sai lầm và có thể khiến con trở nên chống đối, không nghe lời ba mẹ.
Cách giải quyết đúng đó là hãy trấn an con, giúp con bình tĩnh hơn. Sau đó, ba mẹ hãy nhẹ nhàng phân tích hành vi của con, cho con tự đánh giá đó là đúng hay sai. Nếu con tiếp tục làm, hậu quả sẽ là gì. Ba mẹ hãy học cách tôn trọng con, không xem con là con nít và rồi không cho con quyền được quyết định.
Ví dụ: Khi con liên tục đòi mua một món đồ chơi mà ba mẹ không mua cho con ngay lúc đó được, con khóc lóc ầm ĩ và không chịu về. Trong trường hợp này, ba mẹ nên dỗ con nín khóc. Sau đó, hãy giải thích lí do vì sao ba mẹ không thể mua món đồ chơi đó cho con ngay lúc này. Đồng thời, hãy ra điều kiện cho con, nếu con ngoan ngoãn, nghe lời, con làm tốt điều gì đó, con sẽ được món đồ chơi đó. Và đương nhiên, ba mẹ phải giữ lời hứa với con.
Câu hỏi thường gặp:
- Làm gì khi con không nghe lời, chống đối ba mẹ?
Khi con thường xuyên không nghe lời và chống đối ba mẹ, đây có thể là một dấu hiệu của việc ba mẹ đã có nhiều điều bất hoà với con từ trước. Để giải quyết vấn đề này, ba mẹ nên kiên nhẫn hơn với con.
- Đầu tiên, ba mẹ nên nhìn sự việc theo góc nhìn của con để đoán xem con đang nghĩ gì, tại sao con lại có hành động như vậy.
- Sau đó, ba mẹ hãy hỏi con và lắng nghe tại sao con lại có những hành động như vậy.
- Sau khi nghe ý kiến của con, ba mẹ hãy phân tích một cách dễ hiểu nhất về hành vi của con.
- Cuối cùng, hãy tha lỗi cho con ở lần đầu tiên và cảnh báo với con về hình phạt và hậu quả có thể xảy ra nếu con tiếp tục sai phạm ở lần tiếp theo.
- Làm sao để đặt ra nguyên tắc mà con không cảm thấy bị áp đặt?
Để con cảm thấy thoải mái với những nguyên tắc mà ba mẹ đặt ra, hãy thảo luận với con trước khi đặt ra nguyên tắc. Ba mẹ hãy để con có ý kiến về những nguyên tắc đó và cùng con thống nhất. Điều này sẽ giúp con dễ dàng chấp nhận và tuân theo nguyên tắc.
Nếu con không đồng ý, hãy lắng nghe ý kiến của con, đồng thời, ba mẹ cũng có thể giải thích lí do tại sao ba mẹ lại đưa ra nguyên tắc này. Điều này sẽ giúp con hiểu và đồng ý với ba mẹ.
- Làm thế nào để xây dựng thói quen tốt cho con?
Ba mẹ hãy làm gương cho con và thường xuyên thực hiện những thói quen tốt đó. Thói quen được hình thành khi một hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì vậy, hãy giúp con quen với những hành động đó. Khi con sai, ba mẹ hãy nhẹ nhàng nhắc nhở và khuyến khích con nên làm tốt hơn vào lần sau.
Kết
Việc nuôi dạy con không chỉ là chăm sóc cho con ở mặt vật chất mà còn là sự nuôi dưỡng tâm hồn và dạy dỗ con những điều tốt đẹp. Cuộc sống của con sau này được quyết định bởi tấm gương tốt của ba mẹ và cách dạy đúng đắn của ba mẹ ở hiện tại. Những mẹo tâm lý trên sẽ giúp ba mẹ định hình một tương lai tốt đẹp cho con. Hy vọng ba mẹ sẽ áp dụng những phương pháp thành công để giúp con trở nên ngoan ngoãn, nghe lời.