10 chữ “Không” mà ba mẹ nào cũng nên nhớ để dạy con trở thành đứa trẻ xuất sắc

 

Từ xưa đến nay, việc nuôi dạy con luôn là một vấn đề khó nhằn của ba mẹ và dạy con nên người lại còn là điều khó hơn. Dạy con không phải là việc ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình để có thể lắng nghe con, thấu hiểu con và tìm ra những phương pháp để “uốn nắn” con nên người. Sau đây là 10 quy tắc mà ba mẹ không nên làm với con để dạy con trở thành đứa trẻ xuất sắc.

 

  • Không so sánh con với “con nhà người ta”.

So sánh con không những không giúp con cố gắng hơn mà còn khiến con mất đi sự tự tin về bản thân mình. Khi ba mẹ so sánh con một lần, con có thể nghĩ mình chưa đủ giỏi, nhưng khi ba mẹ thường xuyên so sánh con với những đứa trẻ khác có nhiều thành tích tốt hơn con, con sẽ tin đó là sự thật. 

 

Từ đó trong con sẽ hình thành những suy nghĩ mình là một đứa kém cỏi, vô dụng, thu mình lại và dần dần mất đi năng lực thể hiện bản thân.

 

  • Không phải lúc nào cũng thưởng. 

Việc thưởng sau khi con đạt thành quả nào đó là tốt, nhưng điều đó vô tình dẫn trẻ đến xu hướng “có thưởng mới có làm”. Thay vào đó, nên thưởng những món quà về tinh thần như “Nếu con làm xong bài tập sớm, ba mẹ sẽ chơi trốn tìm cùng con”. 

 

Hay chỉ đơn giản là những lời khen chân thành “Con làm tốt lắm, ba mẹ rất tự hào về con” cũng sẽ khiến con hạnh phúc vì những điều mình đã làm được. Một lời khen chân thành và sự công nhận dành cho con sẽ tạo cho con thêm nhiều động lực để cố gắng.

 

  • Không khắt khe chuyện học hành với con. 

Áp lực và động lực cách nhau bởi một ranh giới rất mỏng manh. Hôm nay, một lời khen của ba mẹ có thể khiến con có động lực để phấn đấu, nhưng ngày mai, nếu ba mẹ mắng con vì con vô tình bị điểm kém, nó sẽ trở thành áp lực của con. Cách tốt nhất đó là ba mẹ nên để con thoải mái trong học tập, việc ép buộc sẽ khiến con càng ngày càng sợ học hành. 

 

Khi con gặp khó khăn trong việc học hay thường xuyên bị điểm kém, trước khi la mắng, ba mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân. Có thể con có vấn đề về sức khoẻ thể chất hoặc sức khoẻ tinh thần làm ảnh hưởng đến việc học, hay cũng có thể con không theo kịp những kiến thức mới. Điều ba mẹ cần làm là tìm ra giải pháp thay vì chất vấn khiến con áp lực.

 

  • Không bắt phải tham gia quá nhiều lớp ngoại khoá. 

Nhiều ba mẹ hay nghĩ, việc cho con tham gia những lớp ngoại khoá sẽ giúp con có thời gian thư giãn sau giờ học cũng như học được nhiều kĩ năng mềm hơn. Nhưng ba mẹ lại mắc một lỗi đó là không hỏi con rằng liệu con có thích điều đó hay không. “Ba mẹ cho rằng học bơi sẽ tốt hơn nhảy múa, nhưng con lại không thích học bơi”, “Ba mẹ muốn con học đàn piano nhưng con lại thích ghi-ta hơn”.

 

Ba mẹ nên tôn trọng sở thích của con, cho con được phép ý kiến và đưa ra quyết định, ba mẹ chỉ nên ở cương vị hướng dẫn.

 

  • Không nên quyết định thay con. 

Một đứa trẻ khi được ba mẹ tôn trọng ý kiến và cho quyền quyết định ngay từ nhỏ sẽ trở nên tự tin hơn những đứa trẻ luôn nghe lời ba mẹ dù cho ba mẹ có đúng hay sai. 

 

Nhiều ba mẹ thường có xu hướng bảo bọc con quá mức, vì quá yêu con, muốn bảo vệ con nên điều gì cũng giúp con và quyết định cả tương lai của con. Nhưng điều này sẽ khiến con ỷ lại vào ba mẹ, con sẽ không có trách nhiệm cho những hành động của mình. Bên cạnh đó, khi con không có ba mẹ bên cạnh, con sẽ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ và trở nên yếu đuối. 

 

Chính vì thế, hãy tập cho con sống có trách nhiệm và làm chủ cuộc sống của mình ngay từ nhỏ.

 

  • Không nên phản đối chuyện yêu đương của con. 

Ở lứa tuổi dậy thì, con sẽ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý và việc con biết yêu cũng là một điều không còn quá xa lạ. Nhiều ba mẹ thường có xu hướng cấm đoán con yêu đương vì sợ ảnh hưởng đến việc học và cả tương lai của con. Nhưng với tính cách của trẻ ở độ tuổi dậy thì, cái gì ba mẹ càng cấm, con sẽ càng muốn làm. Và điều tệ hơn hết đó là con lén ba mẹ để yêu đương và hậu quả về sau là vô cùng nghiêm trọng. 

 

Chính vì thế, thay vì cấm đoán, ba mẹ hãy giáo dục con về tình yêu, dạy con biết yêu có trách nhiệm và giáo dục giới tính cho con.

 

  • Không được đánh con. 

“Thương cho roi cho vọt” là một trong những phương châm dạy con của đa số ba mẹ Việt. Nhưng đây liệu có phải là cách tốt nhất? Liệu sau khi bị ba mẹ “dạy dỗ” con sẽ ngoan ngoãn nghe lời ba mẹ hay thầm có suy nghĩ chống đối? Liệu việc bị đánh sẽ khiến con nhận ra lỗi sai hay chỉ khiến con xa cách với ba mẹ hơn? Đúng vậy, sau khi bị đánh, con có thể sẽ không hay phạm lỗi nữa, nhưng con cũng trở nên nhút nhát hơn. Con sẽ sợ hành động, sợ sai và dần trở nên tự ti hơn. Bên cạnh đó, con cũng sẽ xa cách với ba mẹ hơn, không dám tâm sự với ba mẹ vì sợ sẽ bị phát hiện ra một lỗi lầm nào đó của mình.

 

Đánh phạt con đã không còn phù hợp trong xã hội ngày nay. Đánh phạt chỉ khiến con uất ức nhiều hơn là hiểu ra vấn đề.

 

  • Không nói dối con ngay từ những điều nhỏ nhất. 

Trẻ em như một tờ giấy trắng. Khi con còn nhỏ, ba mẹ là tấm gương duy nhất để con noi theo. Ba mẹ là niềm tin, là tất cả của con và con nghe lời ba mẹ hơn ai hết. Nhưng điều đó sẽ ngày càng bị mai một nếu ba mẹ thường xuyên nói dối hay thất hứa với con.

 

“Ba hứa với con sẽ đưa con đi chơi vào cuối tuần nhưng ba lại đi nhậu với bạn”. “Mẹ nói rằng nếu con được học sinh giỏi sẽ đưa con đi chơi nhưng lại chẳng thấy đâu”.

 

Ban đầu con sẽ cảm thấy hụt hẫng. Sau đó là thất vọng và xa cách với bố mẹ. Và dần dần, con sẽ xem việc nói dối hay thất hứa là việc bình thường và con sẽ học theo. Chính vì thế, ba mẹ nên hạn chế việc nói dối con ngay từ những điều nhỏ nhất.

 

  • Không vì bận mà bỏ rơi con. 

Ba mẹ nên dành thời gian cho con để hiểu con hơn. Khi con càng nhỏ, ba mẹ càng nên dành thời gian cho con. Con rất cần sự chú ý và quan tâm từ ba mẹ. Và hơn hết, con rất muốn ở bên cạnh ba mẹ, vì làm gì có ai yêu thương và chăm sóc con tốt hơn ba mẹ.

 

Hãy dành cho con khoảng thời gian để bên cạnh con, có thể là đọc truyện cho con nghe vào mỗi tối, cùng con hoàn thành trò chơi xếp hình hay đưa con đi công viên vào cuối tuần. Tuy chỉ là những điều đơn giản nhưng sẽ giúp con hạnh phúc hơn vì được ở bên người mà mình yêu thương nhất đấy!

 

  • Không nên để con chờ đợi khi con đặt câu hỏi. 

Trẻ em có rất nhiều câu hỏi về thế giới xung quanh mình và đó cũng là cách để con phát triển tư duy ngay từ khi con còn nhỏ. Con có thể có rất nhiều câu hỏi như “Tại sao lá cây lại màu xanh?”, “Tại sao trời lại mưa?” hay thậm chí là những câu hỏi đơn giản như “Tại sao ba mẹ phải đi làm?”.

 

Khi ba mẹ giúp con giải đáp những thắc mắc, con sẽ hiểu hơn về những thứ xung quanh mình và từ đó phát triển não bộ tốt hơn. Chính vì thế, ba mẹ nên dành thời gian giải đáp cho con để con hiểu hơn về cuộc sống cũng như tránh những suy nghĩ lệch lạc không đáng có.

 

Call Now Button